Cũng dễ hiểu, vì đợt dịch COVID-19 thứ 3 bùng phát đúng dịp Tết Nguyên đán khiến nhiều người đành chôn chân ở nhà, thậm chí không dám về quê. Sau khi Việt Nam kiềm chế được đợt dịch này, mọi người cảm thấy an tâm để chuẩn bị đi du lịch sau chuỗi ngày dài “cuồng chân”.
Có thể nói dịp lễ 30/4 và 1/5 tới sẽ là thời gian “sổ lồng” của rất nhiều người Việt Nam. Điều này thể hiện rất rõ qua các con số.
Theo thống kê của nhiều công ty du lịch lớn, công suất khách đặt chuyến du lịch đã lên đến 50 - 60% và các chuyến du lịch ngắn ngày vẫn chiếm ưu thế với những điểm đến như Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt, Côn Đảo…
Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết, từ đầu tháng 4/2021, phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 ở Sa Pa đã đạt khoảng 80%. Nhiều cơ sở hết phòng hoàn toàn trong dịp này.
Tương tự, công ty Vietravel đã bán được khoảng 80% kế hoạch tour dịp lễ 30/4 và 1/5.
Dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt nên các điểm du lịch gần như quá tải vào dịp cuối tuần gần đây. Trong khi đó, nhiều khu nghỉ dưỡng, homsestay, khách sạn 3-4 sao tại Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết… đã thông báo hết phòng trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Các hãng hàng không cũng thông báo “cháy” vé máy bay dịp nghỉ lễ này.
Có thể nói 30/4 và 1/5 là đợt nghỉ dài đầu tiên, mở màn cho mùa hè du lịch nội địa và cũng là cơ hội vàng cho ngành du lịch phục hồi và cất cánh sau hơn một năm lao đao vì COVID-19.
Nói hè năm 2021 là thời điểm vàng du lịch nội địa là bởi Việt Nam kiểm soát tốt dịch và nhu cầu du lịch bị dồn nén suốt hơn một năm nay đang chờ thời điểm “bùng nổ”. Nếu như trước COVID-19, thị trường du lịch nội địa phải chia sẻ nhiều lượng khách có tiền chọn đi du lịch nước ngoài, thì nay, thị trường 90 triệu dân này hầu như là miếng bánh của du lịch trong nước.
Đứng trước cơ hội lớn đó, ngành du lịch nội địa cần tận dụng tối đa cơ hội khó khăn mới có được để giữ được lượng khách lớn này về lâu dài. Lâu nay, một số khu du lịch vốn làm ăn theo kiểu “chộp giật”, chỉ lo cái lợi trước mắt, lo rút tiền của du khách mà không quan tâm tới thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ. Lâu nay, một số điểm du lịch vốn quen đón khách Tây nhiều tiền, có thái độ “chảnh” với khách du lịch trong nước.
Nếu còn giữ nguyên cung cách như vậy thì khó có thể tận dụng và giữ được cơ hội vàng sắp tới. Cần hiểu rõ rằng ít nhất trong thời gian tính bằng năm, ngành du lịch chắc chắn sẽ vẫn phải dựa phần lớn vào vào du khách nội địa.
Chương trình “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” có duy trì được lâu dài, tạo thành thói quen cho du khách nội địa hay không, tất cả đều tùy thuộc vào những bên có liên quan trong ngành du lịch. Nếu không, chỉ cần đại dịch chấm dứt ở nhiều nước, một lượng lớn khách Việt Nam sẽ kéo vali đi du lịch nước ngoài. Có những nơi mà cảnh sắc thiên nhiên dù không thể đẹp bằng Việt Nam nhưng dịch vụ du lịch chắc chắn làm hài lòng họ hơn.
Trong khi đó, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải tìm cách để đón du khách quốc tế mà vẫn đảm bảo không “đón” cả virus SARS-CoV-2. Các quốc gia phụ thuộc vào du lịch đã có nhiều cách làm hay như hành lang du lịch, cách ly linh hoạt, hộ chiếu vaccine…
Thái Lan và Indonesia đều ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở hai hòn đảo du lịch là Phuket và Bali, nhằm sớm mở cửa đón du khách quốc tế vào tháng 7 này. Indonesia sẽ chuẩn bị hành lang du lịch, thiết lập “vùng xanh” ở Bali để du khách tới và ở lại, cân nhắc chuyến bay thẳng nối Bali với các nước kiểm soát dịch tốt. Trong khi đó, ngành du lịch ở Phuket muốn tiêm cho phần lớn dân trên đảo để đón mọi du khách quốc tế đã tiêm vaccine. Du khách sẽ không phải cách ly, đi đâu tùy ý miễn ra không rời đảo trong vòng một tuần.
Các bong bóng du lịch đã được hình thành như giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Palau, Australia và Singapore…
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí chính thức triển khai sáng kiến ''hộ chiếu vaccine'' để hướng tới mở cửa trở lại ngành du lịch vào mùa hè năm 2021.
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố đi đầu trong vấn đề này. Ngành du lịch thành phố đã lựa chọn khoảng 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu để chuẩn bị cho việc đón khách khi có chủ trương "hộ chiếu vaccine" từ chính phủ.
Đứng trước cơ hội vàng quý giá, ngành du lịch Việt vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có cơ hội hồi sinh, lo vì làm sao để thực hiện nhiệm vụ kép: phục vụ tốt lượng du khách tăng đột biến; đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Vì chỉ cần một ca COVID-19 trong cộng đồng tại một thành phố du lịch nào đó là cơ hội vàng sẽ tuột khỏi tầm tay một lần nữa, như đã từng xảy ra ở Đà Nẵng năm ngoái.