Quản lý xe máy điện, cần có thời gian

Từ 1/6, xe máy điện khi lưu thông phải đăng ký biển số. Mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt tương tự như đối với mô tô, xe máy. Về tác dụng xã hội, siết chặt lưu hành, sử dụng xe máy điện theo nội dung Thông tư 15 của Bộ Công an vừa được ban hành là việc làm cần thiết.

 

Ngoài chấn chỉnh tình trạng sử dụng xe máy điện tràn lan, thiếu kiểm soát như hiện nay, văn bản này còn được kì vọng sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường xe máy điện, vốn rất nhiều hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, từ góc độ thực thi công vụ và quyền lợi của người tiêu dùng, việc đột ngột triển khai quy định mới mẻ này dường như, thiếu một độ trễ cần thiết để đảm bảo tính khả thi của chính sách.

 

Cách đây vài năm, xuất hiện bắt đầu từ thành phố Cảng Hải Phòng, sau đó rộ lên ở các thành phố lớn, mật độ giao thông dày đặc như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gần như, không một chiếc xe máy điện nào được đăng ký biển kiểm soát. Mặc dù, quy định bắt buộc gắn biển cho loại phương tiện này đã được Bộ Công an quy định trong một vài văn bản từ vài năm trước, nhưng do số lượng loại xe này chưa nhiều, giá trị không cao nên cả cơ quan quản lý lẫn người sử dụng đều chưa thực sự quan tâm.


Sau thời gian bỏ bẵng, quy định mới khiến hàng ngàn chủ nhân xe máy điện phải ngay lập tức quan tâm đến việc làm thủ tục gắn lên loại phương tiện tưởng chừng như chỉ dùng “để đi chợ, đi dạo phố” này một chiếc biển kiểm soát ký hiệu “MĐ” (theo quy định của Bộ Công an) nếu không muốn bị xử phạt.


Theo hướng dẫn của Thông tư 15, hồ sơ đăng ký xe máy điện gồm phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); hóa đơn bán xe; chứng từ nộp lệ phí trước bạ. Riêng đối với xe máy điện đã sử dụng trước ngày 1/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc chứng từ chuyển nhượng không bảo đảm theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số xe.


Thực tế, cho đến nay, nhiều người dân vẫn không hề biết đến quy định này. Cơ quan ban hành, thực thi chính sách sẽ phải đối diện một thực tế là rất nhiều trường hợp mua xe máy điện do không chủ định từ trước nên không yêu cầu người bán cung cấp những loại giấy tờ để đăng ký biển số. Hoặc trên thực tế, cũng do giá trị không lớn, loại xe này được cho tặng hoặc chuyển nhượng đa phần chỉ bằng loại “văn bản miệng”. Thêm nữa, nhiều cửa hàng cũng chưa thể có ngay những loại giấy tờ này để cung cấp cho khách hàng. Điều này dẫn đến, sẽ có nhiều trường hợp, người dân không thể có đủ giấy tờ để đi đăng ký biển số chiếc xe đi lại hàng ngày của mình. Nhiều xe máy điện sẽ “đắp chiếu” hoặc được “mang về quê làm quà” để người dân đỡ cảm thấy phiền phức vì một loại phương tiện “thêm nếm” để trong nhà.


Điều dễ nhận thấy, là người dân cần có một khoảng thời gian hợp lý đủ để tiếp nhận thông tin và xử lý đối với trường hợp xe của mình. Nên chăng, cần nghĩ đến việc tuyên truyền trước; gia hạn đăng ký đối với xe máy điện trong vài tháng, sau đó mới tiến hành xử phạt. Như vậy, sẽ tránh được những câu trả lời ”không biết, chưa nắm được” khi bị xử phạt; đồng thời cũng làm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở đăng ký do lượng người có nhu cầu tăng đột biến.


Đó cũng chính là độ trễ cần thiết để đảm bảo cho tính khả thi của chính sách.

 

Quang Vũ

Sẽ xử phạt nghiêm xe máy điện không đăng ký
Sẽ xử phạt nghiêm xe máy điện không đăng ký

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thừa nhận việc số lượng xe máy điện đăng ký hạn chế có trách nhiệm của Bộ Công an và một số bộ ngành liên quan. Còn xe đạp điện là xe thô sơ, nênkhông thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp biển số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN