Phiên tòa nào cho 'hệ thống'?

Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đang đi đến hồi kết. Đã có những ân hận, những giọt nước mắt, những lời xin lỗi và cả những câu cảm ơn. Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng thêm một lần nữa cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, các thế hệ công nhân lao động…

Bị cáo Đinh La Thăng nói lời nói sau cùng trước phiên nghị án. Ảnh: TTXVN

Bản án cuối cùng rồi cũng sẽ được đưa ra đúng người đúng tội, công tâm khách quan, theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với một bị cáo đã từng là một yếu nhân, từng là một “hình mẫu” của thế hệ lãnh đạo hành động, thì hình ảnh Đinh La Thăng cúi đầu xin lỗi không thể không mang đến những chua xót. Chua xót cho những sai lầm của một cá nhân và sau đó là đau xót cho một “hệ thống” những sai sót, chồng chất và kéo dài.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, Phạm Công Danh và đồng phạm, vụ xử lý nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng hàng loạt vụ việc khác được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, đã cho thấy khá nhiều cán bộ lãnh đạo và doanh nghiệp vướng vòng lao lý. Hàng ngàn tỷ đồng đã bị thất thoát, nhiều quyết định sai lầm, tham lam và nôn nóng liên quan đến cả cơ chế lẫn nhân sự đã dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng… Nhiều vụ việc sai trái kéo dài, của cả một tập thể hoặc một nhóm quyền lực, nhóm lợi ích ở bộ máy chính quyền địa phương cho đến các tập đoàn, DN lớn, diễn ra trong nhiều năm, hoặc rất nhiều năm sau mới được phát hiện và bị xử lý. Tất cả khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi TẠI SAO?

Tại sao những sai phạm ấy đã không bị phát hiện sớm hơn để ngăn chặn, xử lý kịp thời; để tránh được vết xe đổ hoặc sai phạm ngày càng chồng chất hơn, nặng nề hơn? Nhìn từ việc đấu tranh ngay tại nội bộ các bộ máy chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, tại sao không có một ai dám đứng lên tố giác, cho dù họ biết rõ? Phải chăng họ nhắm mắt để yên thân hoặc họ biết có tố giác cũng chỉ “rơi tõm ao bèo” nên đành nhắm mắt làm ngơ? Nhìn rộng hơn là việc, có nhiều ban bệ, luật lệ, cơ chế chính sách được sinh ra để quy định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ sao cho đúng, nhưng rốt cuộc cả “hệ thống” ban bệ, luật lệ đó phải chăng đã bị vô hiệu hóa hoặc còn nhiều lỗ hổng dẫn đến vô tác dụng? Và đây cũng chính là “cái nôi”, là “bệ phóng” cho hàng loạt sai phạm sinh sôi.

Rõ ràng, lỗi hệ thống này trước hết phải được chỉ rõ, xử lý dứt điểm ở từng khâu, ở nhiều lĩnh vực thì mới có thể ngăn chặn được nhiều sự việc sai sót, vi phạm tiếp theo. Đối với những bất cập do hệ thống cơ chế chính sách còn chưa hoàn thiện, chuẩn chỉnh, còn tạo ra những “lỗ hổng” thì phải ngay lập tức “vá lại” cho phù hợp, để không ai có thể lợi dụng kẽ hở mà làm liều. Còn đối với những tồn tại do “hệ thống” con người gây ra, mà cụ thể là các cơ quan, ban bệ có chức năng giám sát, kiểm tra ở nhiều cấp độ từ cơ sở, bộ ngành, địa phương đến trung ương vẫn phát hiện chậm hoặc không phát hiện ra các sai phạm, để các vụ việc xảy ra kéo dài, thì cũng dứt khoát phải bị xem xét, xử lý nghiêm, “không có vùng cấm”.

Một xã hội an toàn và nhân văn, sẽ chẳng bao giờ muốn có bất kỳ phiên tòa nào được mở, chẳng có bất kỳ bản án nào được tuyên. Nhưng cũng vì một xã hội an toàn thì các phiên tòa, các bản án lại càng cần được thực thi nghiêm minh hơn bao giờ hết. Các cá nhân phạm tội dĩ nhiên phải chịu đền tội, phải trả giá cho những tội lỗi của mình bằng những phiên tòa xét xử công khai, minh bạch, có lý có tình. Nhưng vấn đề là những sai sót mang tính “hệ thống” gây ra bao hệ lụy nghiêm trọng như trên thì lại chẳng có phiên tòa cụ thể nào xét xử!

“Lò đã cháy” ở khắp nơi rồi, không có vùng cấm rồi, người dân đang nức lòng tin rồi. Vì vậy, không có lý do gì, chúng ta không tạo được chiếc “lò bát quái” để xử lý các lỗi “hệ thống” ấy, để ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của mọi tội lỗi từ trong trứng nước, và để không phải lặp lại những trả giá nhãn tiền.

Ninh Hồng Nga
Bị cáo Đinh La Thăng xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân
Bị cáo Đinh La Thăng xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân

Sáng 17/1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và đồng phạm, trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN