Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm: Từ chối luật sư bảo vệ ông Trần Bắc Hà

Ngày 16/1, giai đoạn 2 phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi.

Đơn xin bảo vệ ông Trần Bắc Hà không hợp lệ

Mở đầu phiên xử, Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản thông báo, sáng 16/1 người đại diện tham gia phiên tòa cho ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) đã nộp Hội đồng xét xử các tài liệu liên quan tới việc ông Hà nhập cảnh Singapore từ ngày 7/1 để khám chữa bệnh. Các tài liệu này đều có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore.

Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 12/1. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Đồng thời, Hội đồng xét xử đã nhận được đơn từ Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) giới thiệu Luật sư Nguyễn Đức Cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, nội dung đơn đề nghị không thể hiện ý chí của ông Trần Bắc Hà cũng như không được hợp pháp hóa lãnh sự khi bản thân ông Hà không có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn xin bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức.

Trước đó, trong phiên xét xử sáng 13/1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giữ quyền công tố tại tòa khẳng định: "Ông Trần Bắc Hà được xác định bị ung thư gan từ năm 2012, dự kiến đi tái khám vào ngày 8/1/2018 theo lịch hẹn. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành việc xác minh thông tin từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem ông Hà có đi tái khám hay không".

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đề nghị tòa triệu tập ông Trần Bắc Hà để làm rõ một số nội dung liên quan tới các khoản vay của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và nhóm 12 doanh nghiệp do bị cáo Phạm Công Danh dựng nên làm hồ sơ vay 4.700 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV.

Vay tiền ngân hàng để mua trái phiếu doanh nghiệp

Phiên tòa đang tập trung làm rõ việc 11 công ty của Phạm Công Danh vay 1.700 tỷ của Ngân hàng TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

Theo cáo trạng, Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) và Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt) đã bàn bạc, thống nhất để Hà mượn pháp nhân của các công ty, vay tiền của TPBank, sau đó dùng tiền vay này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. VNCB bảo lãnh các khoản vay trên bằng tiền gửi.

Khi các công ty vay vốn không chứng minh được việc sử dụng hợp lý tiền vay, TPBank đã thu nợ trước hạn đối với 11 công ty bằng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các công ty tại TPBank. Hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm đã làm VNCB thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Phan Thành Mai thừa nhận thực hiện chỉ đạo của ông Phạm Công Danh khi đã ký các hợp đồng tiền gửi với TPBank. Ông Mai khai biết rõ việc làm này là sai cả chủ trương đến nghiệp vụ vì bản chất là cấp tín dụng vòng từ VNCB sang Tập đoàn Thiên Thanh. Sau khi TPBank giải ngân, bị cáo Mai không rõ ông Danh sử dụng số tiền này để làm gì.

Chiều 16/1, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.


Nguyễn Chung - Xuân Tình (TTXVN)
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: 'Người đi vay' và 'người bảo đảm' là một
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: 'Người đi vay' và 'người bảo đảm' là một

Ngày 13/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng - VNCB) và đồng phạm giai đoạn 2 tiếp tục với phần xét hỏi, tập trung làm rõ về việc 12 công ty của ông Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN