'Phần máu thịt không thể tách rời'

Đã hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên được một lần nghe hát dân ca.

Đó là đêm mùa đông cuối tháng 12, tại một thành phố nhỏ của Thuỵ Sĩ. Cố nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung, trong lần lưu diễn cuối cùng đã biểu diễn trong một khán phòng nhỏ. Giọng opera xuất sắc đã thể theo yêu cầu của một khán giả, hát làn điệu dân ca đồng bằng Bắc bộ. Giữa khán phòng đa số là người sở tại, yêu cầu này khiến tôi tò mò. Và vui mừng sao, khi đưa mắt tìm kiếm, tôi lại được gặp gương mặt với những đường nét châu Á thân thuộc.

Một người Việt Nam, đã rất lớn tuổi, lặng lẽ ngồi chăm chú từ đầu chương trình, nước mắt ngân ngấn nghe như nuốt từng lời luyến láy của bài Xe chỉ luồn kim: "Xe chỉ ấy mấy kim em luồn kim, thêu vào tình chung vuông nhiễu tím gửi lên chàng... Gió ngát xanh bên đồng xanh, chờ ai, tình chung son sắt, chờ ai tình chung son sắt"... Không hiểu hiệu ứng nào khi đó khiến cả không gian như lặng ngắt, chỉ có tiếng hát cao vút, vừa tinh tế len lỏi vào vào những góc khuất của tâm hồn, vừa mềm mại như làn nước mát, như vòng tay mẹ êm đềm ve vuốt, xoa dịu những vết đau.

Cuối buổi diễn, bác Việt kiều cho biết, để đến được đây, bác đã phải nhờ con lái xe chạy gần 3 tiếng đồng hồ. "Cộng đồng người Việt ở thành phố nhỏ và khá thưa dân cư này không nhiều. Đã lâu lắm rồi, tôi thèm được nghe tiếng mẹ đẻ"- bác Việt kiều nghẹn ngào. Sau này, trong các lần đi công tác nước ngoài, gặp nhiều người Việt Nam xa xứ, được chia sẻ từng miếng cơm gạo Việt nơi trời Tây, tôi càng cảm nhận rõ rệt về khái niệm "quê hương". Đó thực sự là nơi mỗi chúng ta thuộc về, là một phần của tâm trí và máu thịt.

Chính vì vậy, mỗi mùa xuân, khi được tham dự đưa tin những cuộc sum vầy hội ngộ của đồng bào từ năm châu trở về quê hương đón tết cổ truyền, mỗi nhà báo chúng tôi lại càng trân trọng những giây phút xúc động của kiều bào ta. Trong chương trình nghệ thuật Xuân quê hương năm 2018 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức với chủ đề “Việt Nam rạng ngời tương lai”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định: “Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời". Điều này bao hàm cả hai ý nghĩa: Tổ quốc như người mẹ bao dung, luôn yêu thương và giang rộng vòng tay với những người con xa quê hương. Còn với mỗi người con nước Việt, dù ở đâu, xa cách bao nhiêu không gian và thời gian, Tổ quốc, đất nước luôn là nơi hướng về, luôn là điều thiêng liêng nhất.

Với ý nghĩa đó, trong nhiều năm qua, dù còn nhiều khó khăn song trên 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên khắp năm châu đã luôn hướng về đất nước với tình cảm thiết tha và những đóng góp thiết thực cả về vật chất và trí tuệ, tâm sức, nhằm xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Như lời ghi nhận của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, "ngày càng có nhiều kiều bào, nhất là lớp trẻ thành đạt trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, kinh tế - văn hóa - xã hội, được chính quyền và người dân nước sở tại đánh giá cao, góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam. Nhiều bà con đã về nước tích cực tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo"… Trên thực tế, 2.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động hiệu quả tại 52 tỉnh, thành với số vốn 2,92 tỷ USD. Nhiều hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai sâu rộng, toàn diện. Đông đảo kiều bào đã hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động thường niên tổ chức trong nước như Xuân Quê hương, thăm Trường Sa, Trại hè thanh thiếu niên cùng nhiều chương trình giao lưu, về nguồn... Những đóng góp quý báu khó lòng đong đếm hết đã và đang góp phần giúp đất nước ngày càng phồn vinh, vun đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, góp phần trực tiếp thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. 

Như trong một gia đình, những người "ở nhà" cũng luôn dành những tình cảm yêu thương nhất đối với những người con xa xứ. Tổ quốc luôn giang rộng vòng tay tin yêu, chào đón, tạo điều kiện thuận lợi để bà con về nước thăm thân, du lịch, đóng góp xây dựng quê hương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các nước, tạo điều kiện để bà con có cuộc sống ổn định và hội nhập hơn nữa vào nước sở tại, nỗ lực bảo hộ công dân, bảo vệ quyền lợi, tính mạng, tài sản của kiều bào, hỗ trợ cộng đồng trong các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, tập thể trong nước cũng đã không ngừng nỗ lực, để xây dựng Tổ quốc vững mạnh trên mọi mặt trận, từ kinh tế tới văn hoá, an ninh quốc phòng và ngoại giao. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn, an sinh xã hội được bảo đảm. Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững. Sự nỗ lực của đồng bào trong nước và nước ngoài là những minh chứng rõ rệt và thiết thực nhất của tình đoàn kết, của tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. 

Sợi dây nguồn cội thiết tha như máu thịt, ăn sâu trong mỗi cá nhân, là sức mạnh kết nối và vượt qua mọi khó khăn, mọi khoảng cách, giúp mỗi người Việt Nam dù ở đâu trên khắp năm châu, luôn luôn nỗ lực không ngừng vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước và giống nòi con Lạc cháu Hồng.

Thùy Hương
Không còn là chuyện quà Tết
Không còn là chuyện quà Tết

Những ngày qua, rất nhiều tờ báo đưa tin kèm ảnh: Cửa trụ sở Ban tổ chức Trung ương đặt tấm biển "không tiếp khách đến chúc Tết".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN