Khá khó khăn khi phải giải thích cặn kẽ cho một học sinh tiểu học lý do từ bỏ kênh học tiếng Anh với một người Mỹ có phong cách truyền đạt hóm hỉnh, gần gũi thực tế. Tôi phải cụ thể hóa bằng câu hỏi “Nếu có ai đến nhà mình mà nói xấu bố mẹ, liệu con có muốn chơi với người đó nữa không?”.
Ai cũng biết cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc, một biểu tượng được tôn kính không chỉ với các thế hệ trực tiếp tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà chắc chắn với cả nhiều thế hệ người Việt sau này.
Có vợ là người Việt, lại trực tiếp dạy tiếng Anh tại Việt Nam được một thời gian khá lâu, Dan phải hiểu rằng việc xúc phạm tới cố Đại tướng là điều không một người Việt Nam nào có thể chấp nhận. Hàng vạn ý kiến trên mạng xã hội đã tỏ ý bất bình, phẫn nộ. Nhiều người đã tẩy chay kênh dạy tiếng Anh của Dan trên YouTube. Trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội cũng đã chấm dứt hợp tác với cậu giáo viên người Mỹ này.
Những bình luận khiếm nhã cho thấy một sự thiếu trưởng thành trong nhận thức, một sự vô ơn với đất nước đang bao bọc và mang lại công ăn việc làm cho gia đình nhỏ của Dan. Nhiều người nước ngoài cũng nói rằng hành vi này làm ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây.
Là giáo viên dạy tiếng Anh, Dan hẳn biết câu thành ngữ nổi tiếng “When in Rome, do as Romans do”, đồng nghĩa với câu “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” trong tiếng Việt. Có thể hành vi mang hình ảnh lãnh tụ, người có ảnh hưởng lớn ra châm biếm không phải là vấn đề to tát trong văn hóa của một số nước phương Tây, nhưng nó là tối kỵ với người dân Việt Nam vốn có truyền thống trân trọng cội nguồn, biết ơn những vị tiền liệt có nhiều công trạng với đất nước. Thậm chí tại Thái Lan, người nào xúc phạm đến nhà vua hoặc hình ảnh hoàng gia có thể phải ngồi tù đến 15 năm.
Theo Nghị định 174 của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực thông tin điện tử, đối với hành vi xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc thì sẽ bị xử phạt hành chính; mức phạt đối với cá nhân là từ 35 đến 50 triệu đồng. Tại buổi làm việc với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Dan đã nhận thức được hành động không chuẩn mực của mình, tỏ ý vô cùng ân hận và xin được đến thắp hương tạ lỗi với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại diện của Cục cho biết, cơ quan chức năng sẽ xem xét các tình tiết giảm nhẹ nếu như đương sự có biện pháp khắc phục hậu quả, như là xóa bỏ mọi thông tin chia sẻ sai trái trên mạng xã hội, đến xin lỗi trực tiếp gia đình cố Đại tướng.
Người Việt có câu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Lời xin lỗi muộn mằn của Dan là bài học để nhiều người tự soi lại mình trước khi có những hành vi, những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Các trung tâm dạy tiếng Anh qua đây cũng nên cân nhắc, tuyển chọn kỹ để có được đội ngũ giáo viên người nước ngoài có phông văn hóa cao hơn, nhất là khi họ không chỉ đứng lớp mà còn có ảnh hưởng tới nhiều người khác thông qua mạng xã hội.