Có thể hiểu, tấm biển nói trên là việc làm cụ thể hóa Chỉ thị số 16/CT-TW của Ban Bí thư về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo..., nhưng đó cũng là thông điệp từ chối quà Tết của một cơ quan Trung ương.
Thực tế, cứ dịp Tết đến xuân về, việc biếu xén quà cáp cấp trên để mưu cầu lợi ích cá nhân, hay lợi dụng nhận quà cấp dưới để trục lợi đang là vấn đề khiến dư luận bức xúc. Không hiếm trường hợp, việc thăm hỏi, chúc Tết chỉ là cái cớ, còn tặng quà có giá trị mới quan trọng. Quà Tết không còn mang ý nghĩa văn hóa, tinh thần nữa, cũng không còn là thứ vật chất có giá trị vừa phải để thay lời tri ân, với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mà nó mang nặng yếu tố vật chất. Phải khẳng định rằng, đằng sau những món quà ấy là cả một sự toan tính, đổi chác, nó bắt nguồn từ động cơ vụ lợi. Như thế, quà Tết thành quà hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án... Thực tế, rất nhiều bị can trong một vài vụ đại án gần đây đã khai trước tòa rằng, số tiền dùng làm quà Tết cho cấp trên lên đến hàng tỷ đồng, mà chủ yếu là tiền ngân sách. Người trao và người nhận quà đều ngầm hiểu đằng sau của món quà đó là gì. Rõ ràng, quà Tết đang bị biến tướng, trở thành sự trao đổi mà đôi bên cùng có lợi.
Vấn đề là dẹp nạn quà cáp, biếu xén dịp Tết quả thật không dễ chút nào. Bởi vậy, Chỉ thị về việc tổ chức Tết Mậu Tuất 2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đặc biệt nhấn mạnh nội dung nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo. Chỉ thị nêu rõ: “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương”, và “Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…”.
Chủ trương ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ chuyện tặng quà, biếu xén trong dịp Tết một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương mới đây. Quan điểm của Thủ tướng là cần tổ chức Tết đơn giản, tình nghĩa, không chúc Tết, tặng quà cấp trên để tình cảm anh em, đồng chí trọn vẹn và gần gũi với nhân dân hơn.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền thực hiện chính sách đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai; thăm hỏi thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Cần phải khẳng định, Chỉ thị của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không chúc Tết lãnh đạo, không quà cáp biếu xén là một trong những biện pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn được vấn nạn quà Tết biến tướng, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc? Vấn đề mang tính quyết quyết định là cả hệ thống chính trị phải hành động, đồng thời phải công khai cho dân biết và phát huy vai trò giám sát của dân. Bên cạnh các chế tài, thì rất cần sự gương mẫu của các cán bộ chủ chốt, từ Trung ương đến địa phương.
Hơn nữa, muốn ngăn chặn triệt để tình trạng biến tướng quà Tết, cần phải xem đây là một cuộc chiến chống tham nhũng thực sự, bởi đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới lãng phí, tiêu cực, nạn chạy chức, chạy quyền.
Chừng nào cơ chế xin - cho, chạy chức chạy quyền, chạy dự án... chưa được dẹp bỏ, thì chừng đó nạn biến tướng của quà Tết vẫn có đất để tồn tại. Suy cho cùng, quà Tết với động cơ trục lợi, chính là hối lộ, tham nhũng, tham ô.