NMD - Lá chắn hay giàn phóng lửa?

Thế giới vốn đã nóng bỏng với hàng loạt cuộc khủng hoảng chính trị, trong những ngày qua càng trở nên căng thẳng hơn khi bất đồng giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu gia tăng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) mà Mỹ dự định sẽ triển khai tại châu Âu.

Phớt lờ đề xuất của Nga về việc thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở châu Âu, Oasinhtơn đã tiến hành đàm phán và ký thỏa thuận với một loạt quốc gia như Rumani, Ba Lan, Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho phép Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn, trạm rađa cũng như tàu chiến neo đậu ở ngoài khơi vùng biển của những nước này. Viện lý do là để đánh chặn các tên lửa hạt nhân từ các quốc gia mà Mỹ xếp vào diện nguy hiểm như Iran, song sự hiện diện của một hệ thống tên lửa không chỉ có khả năng phòng thủ mà còn có thể tấn công ngay sát biên giới Nga, rõ ràng đã trở thành một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Nga.

Sau khi hoàn tất, NMD sẽ là trung tâm tên lửa đầu tiên của Mỹ nằm ngoài lãnh thổ nước này, song là trung tâm thứ ba, sau hai trung tâm ở California và Alaska. Trong khi đó, Nga chỉ có một trung tâm tương tự tại Mátxcơva. Như vậy, nếu chỉ xét về tương quan lực lượng, rõ ràng nước Mỹ đang muốn giữ thế thượng phong về tiềm lực quân sự. Phải chăng đây chính là lý do khiến Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) mà hai nước đã ký năm 1972?

Mátxcơva đã có một động thái khá mềm dẻo khi đề nghị Mỹ cam kết bằng văn bản rằng NMD ở châu Âu không nhằm vào quốc gia này. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối đề nghị này, đẩy đàm phán Mỹ - Nga về NMD rơi vào ngõ cụt.

Trước tình hình này, Nga đã cảnh báo sẽ thực thi mọi biện pháp đáp trả nếu Mỹ không ngừng kế hoạch triển khai NMD hoặc không cùng Nga hợp tác nhằm thành lập "lá chắn tên lửa" chung. Thủ tướng Nga Vladimir Putin quả quyết rằng việc Mỹ triển khai NMD sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng toàn cầu, buộc Nga phải thực thi những biện pháp kiên quyết nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ không gian - vũ trụ thống nhất của mình. Mátxcơva còn để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xuất hiện nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ Nga.

Thế giới đã từng chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cho dù đến thời điểm này, Nga vẫn luôn nhấn mạnh sự hợp tác để cùng giải quyết bất đồng, song không được phía Mỹ đáp lại. Điều này càng khiến thế giới lo ngại về dấu hiệu của một cuộc chạy đua vũ trang mới đang manh nha xuất hiện. Liệu NMD có phải là một lá chắn hữu hiệu để che chở châu Âu khỏi sự tấn công của tên lửa, hay nó đang trở thành một giàn phóng lửa mới trong một thế giới vốn đã điên đảo vì hàng loạt “chảo lửa” đang ngùn ngụt cháy.

Cẩm Tuyến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN