Đông Bắc Á những ngày này chứng kiến những chuyển động đáng chú ý, phản ánh sự đối đầu ngày càng sâu sắc giữa hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản.
Trước tiên là việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành vị Chủ tịch đầu tiên tới Hàn Quốc, được đánh giá là dấu hiệu về một sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Bắc Kinh đối với Bán đảo Triều Tiên.Song song với đó, Nhật Bản dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Tiếp đến, Tokyo điều chỉnh chính sách an ninh liên quan tới quyền phòng vệ tập thể. Cũng không thể bỏ qua chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương ngay sau đó của Thủ tướng Shinzo Abe, với chặng dừng chân quan trọng là Australia với những tuyên bố về một “mối quan hệ đặc biệt mới” dựa trên nền tảng thúc đẩy hợp tác kinh tế và quốc phòng.
Đặt trong bức tranh toàn cảnh chung tại Đông Bắc Á không mấy sáng sủa, thậm chí là “căng như dây đàn” thời gian vừa qua liên quan tới các hành động thách thức của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông, xâu chuỗi các sự kiện, giới phân tích quốc tế cho rằng những chuyển động này có sự gắn kết và mang tính chiến lược đối với Trung Quốc và Nhật Bản, hai “đại gia” đối đầu trong khu vực.
Trung Quốc được coi là căn nguyên của những căng thẳng hiện nay tại khu vực, đặt ra những thách thức an ninh không nhỏ khi đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không gây tranh cãi trên Biển Hoa Đông, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những thỏa thuận đã đạt được giữa các bên liên quan Biển Đông và luật pháp quốc tế.
Vì thế, trước một Bắc Kinh trỗi dậy mạnh mẽ đầy tham vọng bành trướng, Tokyo không thể lặng im. Bước đi đầu tiên là cho phép Lực lượng phòng vệ đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài, tiếp đến là cải thiện quan hệ với Triều Tiên - nước lâu nay duy trì mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc - cũng như với Australia nhằm tạo dựng một liên minh thân Nhật mới. Rõ ràng, đây là một cách Tokyo ngầm cảnh báo Bắc Kinh về tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng tại các biển Hoa Đông và Biển Đông. Thông điệp ở đây là: là một nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, Tokyo sẵn sàng can dự quân sự khi được đề nghị.
Trong khi đó, với Trung Quốc, một cái bắt tay đầy ẩn ý với Hàn Quốc vào thời điểm này được các chuyên gia nhìn nhận là nhằm kiềm chế việc Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Sâu xa hơn, Bắc Kinh đang hướng tới làm lung lay mối liên kết Nhật-Mỹ-Hàn, được cho là có vai trò trọng yếu trong chính sách châu Á của Washington - đối tác - đối thủ hàng đầu của Trung Quốc.
Đông Bắc Á luôn là một trong những động lực cho sự phát triển ở châu Á, đồng thời khu vực này cũng là một trong những "thùng thuốc súng". Từ trước tới nay, hòa bình, ổn định ở khu vực luôn giữ vị trí quan trọng cho sự phát triển bền vững của Trung Quốc và Nhật Bản. Vì thế, sự đối đầu giữa hai nước tạo ra những chuyển động ngoại giao bất thường trên là tất yếu nhằm bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia của mình.
Phương Hồ