“Tảng băng chìm” đó đã và đang vỡ ra dưới sức nóng từ sự kiên định, kiên quyết và thống nhất trong chủ trương và hành động của Đảng và Nhà nước xử lý các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Một số “cơ chế ngầm”, “luật bất thành văn” mà dư luận vẫn bàn tán một cách không công khai hoặc từng được làm rõ ở một số vụ án, vụ việc trước đây nhưng chưa có tính “hệ thống”, thì nay dường như đã phát lộ nguyên vẹn hình hài qua những “chuyến bay giải cứu”. Đó là những góc khuất - hay hiểu đơn giản đó là sự thật - đằng sau những hoạt động của một số mắt xích trong hệ thống công quyền. Khác với những mắt xích thông thường, những mắt xích này luôn đòi hỏi phải được “bôi trơn” thì mới vận hành như hiệu năng vốn có, thậm chí bất chấp tình thế nguy nan của đồng bào trong đại dịch.
54 bị cáo. Một bức tranh đa sắc thái. Nhưng ở tận cùng, với không ít người quan sát, nổi lên là sự nhức nhối, chua xót và cả sự tổn thương, trăn trở. Câu chuyện về những “lời cảm ơn bạc tỷ” nhẹ tênh và có bị cáo trơ trẽn nhận hàng trăm lần mà vẫn không thừa nhận đó là hành vi nhận hối lộ, hay câu chuyện “đen thôi, đỏ thì quên đi”..., thực sự là những câu chuyện cười ra nước mắt ở những “chuyến bay giải cứu”.
Dư luận hết sức đồng tình với bản luận tội của Viện kiểm sát nhân dân: Đó là một sự đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ! Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa tiền. Đặc biệt là các bị cáo nhận một số tiền đặc biệt lớn cho cá nhân mình trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cả nước chắt chiu quyên góp cho Quỹ vaccine, cho công tác cứu trợ nhằm phòng, chống dịch...
Có thể thấy rõ, một cơ chế “xin - cho”, “quan hệ - tiền tệ” hết sức rõ ràng đã tạo nên đường băng cho những “chuyến bay giải cứu”. Ở đó, một số mắt xích quan trọng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tự cho mình cái quyền “ban phát”, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, mà như mô tả của một số doanh nghiệp là đã dựng nên những “rào cản vô hình hết sức đáng sợ”, để trục lợi từ một chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong thời điểm dịch giã căng thẳng, nhiều khổ đau và nước mắt.
Với việc hô biến quy trình cấp phép chuyến bay trở nên khó khăn, phức tạp, những kẻ trục lợi đã tạo nên cơ chế “xin - cho” khiến người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần. Lời cảm ơn vốn rất đẹp đẽ đã bị biến thành “văn hóa phong bì” hết sức phản cảm. Những hành vi nhận hối lộ, nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn đó giống như những thứ ung nhọt, tạo ra một loại tệ nạn trong công sở, gây ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy công quyền, ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhìn lại những vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng gần đây, như vụ án Việt Á hay vụ án AIC..., cơ chế “xin - cho”, “văn hóa phong bì” và “quan hệ - tiền tệ” đều hiện hữu. Ở cấp độ nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần lo ngại, đó là những hiện tượng phong bao, phong bì vẫn còn tồn tại ở khá nhiều nơi... Đây rõ ràng là một căn bệnh đáng báo động và cần thiết phải có thuốc đặc trị. Ở đây có vấn đề liên quan đến kiểm soát quyền lực, có vấn đề về đạo đức cán bộ và cũng có thể nói có vấn đề “nhờn luật”... Đều là những nan đề cần được xem xét toàn diện và xử lý rốt ráo.
Những hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái, những thủ đoạn đến mức trắng trợn... đều rất đáng lên án và cần được pháp luật xử lý nghiêm minh. Điều đáng nói hơn là đạo đức công vụ, đạo đức cán bộ đã bị vấy bẩn; không ít mắt xích trọng yếu đã bị xuyên thủng bởi những “viên đạn bọc đường” khiến cho chúng ta cảm thấy bất an, suy nghĩ về khâu “then chốt của then chốt”.
Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, công chức cần thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” xem mình đã thực sự là “công bộc của dân” như lời dạy của Bác Hồ hay chưa. Đừng nghĩ phải làm điều gì to tát, trước tiên mỗi cán bộ, công chức cần hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình với thái độ “Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Đó chính là xây dựng văn hóa liêm chính trong thực hiện công vụ - vừa là “xây” cũng vừa là “chống” những hành vi phản văn hóa, bất chấp pháp luật như “bôi trơn”, “chạy chọt”, “phong bì” hay “xin - cho”.