Về phía doanh nghiệp, người dân, việc xin ý kiến các bộ ngành cũng đồng nghĩa thời gian chờ đợi kết quả nhân lên nhiều lần, cho dù kết quả giải quyết thủ tục hành chính có thể về “một cửa” nhưng để có được kết quả đó thì lại phải qua rất “nhiều cửa” xin ý kiến.
Cũng phải nói thêm, việc phát văn bản “xin ý kiến” là hoạt động hành chính bình thường và cần thiết khi cơ quan quản lý xử lý công việc có liên quan đến nhiều bộ, ngành, những công việc mới phát sinh, vượt thẩm quyền… cần sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. Nhưng việc lợi dụng nó để nhũng nhiễu doanh nghiệp hay né tránh trách nhiệm lại là điều đáng phê phán.
Đó chỉ là một trong những biểu hiện của vấn nạn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chỉ ra tư tưởng "3 không" của một bộ phận cán bộ hiện nay là “không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phân tích cụ thể hơn, có những việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có thật. Chậm trễ trong thực thi công vụ và thái độ e ngại của cán bộ, công chức cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến kết quả phát triển kinh tế của thành phố quý I không đạt mục tiêu đề ra.
Điều đáng lo ngại là nhiều ý kiến từ các bộ ngành cùng chung nhận định tình trạng quá thận trọng nêu trên không chỉ có ở TP Hồ Chí Minh. Để bao biện cho tình trạng ngại làm do sợ sai phạm, một số cán bộ cũng như các luận điệu xuyên tạc của các đối tượng thù địch lại đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay các vụ việc, vụ án vừa qua. Nhưng trên thực tế, Trung tướng Lê Quốc Hùng khẳng định không có việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Ngược lại, việc xử lý các vụ việc, vụ án vừa qua còn như một bài thuốc điều trị cho tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu nêu trên.
Mấy ngày qua, dư luận đang quan tâm đến việc xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Dưới con mắt của giới chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn là một bác sỹ giỏi nghiệp vụ, có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà. Bởi vậy, có nhiều người “tiếc” cho bác sỹ Tuấn khi sa vào vòng lao lý, thậm chí có người đổ lỗi do cơ chế nên để một người giỏi chuyên môn nhưng không giỏi quản lý đứng vào vị trí Giám đốc bệnh viện.
Nhưng phiên tòa mới ở phần thẩm vấn, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình, thừa nhận nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố là đúng, không oan. Theo đó, bị cáo Tuấn đã đồng ý cho Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát gửi vật tư vào Bệnh viện Tim Hà Nội theo hình thức dùng trước, trả tiền sau. Để hợp thức việc trả tiền, bị cáo Tuấn và cấp dưới đã hợp thức hóa bằng cách lập hồ sơ thầu và chỉ định thầu trong các năm 2016 - 2017, gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng. Bị cáo Tuấn thừa nhận không có báo giá các mặt hàng, thiết bị và việc mua sắm vật tư chỉ dựa trên việc "đối chiếu với năm trước và các bệnh viện khác", thấp hơn thì mua. Bị cáo Tuấn cho rằng nếu lúc đó có so sánh với bảng giá thị trường sẽ không phát sinh sai phạm và thừa nhận mình chịu trách nhiệm chính trong vụ án này.
Như vậy không thể đổ lỗi do cơ chế làm nguyên nhân dẫn đến sai phạm. Trong mọi trường hợp, những cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm đều phải tự nhận thức được trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình trong thi hành công vụ. Có thể những quy định của pháp luật vẫn chưa đầy đủ tạo kẽ hở để cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng làm sai, nhưng điều đó không bào chữa được cho hành vi vi phạm.
Và như vậy, không có lý do nào để bao biện sợ bị làm sai mà không làm. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm và triển khai các biện pháp liên quan tới cán bộ, tạo môi trường, hành lang an toàn cho cán bộ làm việc, động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan tới cán bộ, khen thưởng, kỷ luật kịp thời; làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, trước đó, tại hội nghị lần thứ 20 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025), để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh lại cam kết, lãnh đạo thành phố sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu có rủi ro, để cán bộ yên tâm làm việc vì nước, vì dân, vì lợi ích chung của thành phố.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nhưng cũng không phải vì thế mà lại lấy lý do chờ có Nghị định bảo vệ mình thì cán bộ mới làm. Với những chỉ đạo và cam kết mạnh mẽ như trên, cán bộ vẫn còn do dự chưa dám làm thì có lẽ cần những biện pháp mạnh mẽ hơn.