Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong năm qua, lực lượng Công an thành phố tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trong năm 2022, các lực lượng thuộc Công an thành phố đã phát hiện, điều tra, khám phá 6 vụ án mua bán người, bắt 23 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân. Về công tác phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, cai nghiện và sau cai, lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 137 ổ mại dâm, bắt 581 đối tượng; các cơ sở cai nghiện đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc 1.101 người; công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được quan tâm, chú trọng.
Đáng chú ý, lực lượng Công an thành phố đã điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài; không để tồn tại các tụ điểm về tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận... Kết quả điều tra khám phá án kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao đều đạt kết quả cao, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng thẳng thắn cho biết, mặc dù Công an thành phố đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, song tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn phức tạp. Một số loại tội phạm tăng so với cùng kỳ năm 2021 như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 5,2% so với năm 2021)...
Về công tác trọng tâm năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 thành phố Hà Nội chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tham mưu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành trung ương về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm, trọng tâm là Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về "Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới".
Ban Chỉ đạo 138 thành phố xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng xã hội hóa, lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự đến tận cơ sở và đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo". Đồng thời, rà soát, củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến (duy trì và nhân rộng mô hình Công an phường điển hình, kiểu mẫu về đảm bảo an ninh, trật tự và văn minh đô thị theo chỉ đạo của Bộ Công an).
Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận của các đơn vị, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và các bộ, ngành trung ương về công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhấn mạnh Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên nhiều lĩnh vực, ông Lê Hồng Sơn đề nghị các đơn vị tiếp tục bám sát nội dung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quá trình thực hiện sẽ tiếp tục lồng ghép với các chương trình công tác lớn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 của thành phố.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động nắm tình hình, dự báo, tham mưu, đề xuất với Thành ủy, UBND thành phố những giải pháp hiệu quả, giải quyết hiệu quả, triệt để những vấn đề phức tạp nổi lên trên từng lĩnh vực; xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Đề án của Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, thủ trưởng các ngành, các cấp xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của từng đơn vị, từng địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Địa phương, lĩnh vực nào để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, để phát sinh, hình thành “điểm nóng” hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố.
Công an thành phố cần tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, chủ động trong công tác nắm tình hình; tập trung lực lượng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm liên quan “tín dụng đen”; tội xâm phạm sở hữu; các nhóm thanh thiếu niên tụ tập đông người, mang theo vũ khí, hung khí tham gia giao thông, gây rối trật tự công cộng... Các sở, ban, ngành và Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp, tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm.