Mang danh chuyên nghiệp?

Dẫu chưa có những phản ứng tiêu cực, nhưng việc đại diện các câu lạc bộ (CLB) thuộc hệ thống V.League (giải đấu cao nhất trong hệ thống bóng đá Việt Nam) đã thẳng thắn chỉ trích lãnh đạo Công ty Cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) làm việc quan liêu, chưa sâu sát và thiếu chia sẻ với khó khăn của các đội bóng... đã cho thấy, bóng đá Việt Nam đang rất cần một cuộc cải tổ.


Phải thấy rằng, mùa giải V.League 2015 có nhiều vấn đề xảy ra, nhưng tổng kết của VPF lại không nhìn thẳng vào những mặt tồn tại. Chính điều này đã khiến lãnh đạo nhiều câu lạc bộ phản ứng và quy trách nhiệm cho VPF cũng như Ban tổ chức giải. Có lẽ, phát biểu của ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Bóng đá Hải Phòng gây sự chú ý hơn cả. Trong bài phát biểu kéo dài gần 30 phút, ông Hùng công khai chỉ trích nhiều vấn đề tồn tại trong cách điều hành mùa giải vừa qua của VPF. Ông Hùng cho rằng, báo cáo tổng kết của VPF không sát thực tế, toàn thấy cái hay, cái tốt. Những vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận thì lại bỏ qua. Dư luận xã hội, báo chí nêu hàng loạt biểu hiện tiêu cực, về một số trận đấu “có mùi”, trình trạng bạo lực sân cỏ xảy ra ở giai đoạn cuối của mùa giải. Thế nhưng, VPF và Ban tổ chức giải đã lảng tránh, không có quan điểm rõ ràng về vấn đề này?

Chia sẻ với ý kiến của ông Hùng, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự trăn trở với những biểu hiện tiêu cực tại V.League được báo chí đề cập trong mùa giải qua. Có ý kiến nhận xét, V.League vào cuối mùa càng èo uột và mất dần sinh khí, nhiều trận đấu thật thật giả giả khiến khán giả mất lòng tin. Bóng đá có ngôn ngữ riêng và những người có chuyên môn phải nhìn nhận ra, có quan điểm rõ ràng, thống nhất. Bóng đá Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, vì vậy nên càng phải giải thích rõ, đừng để người hâm mộ thất vọng về cách điều hành giải cũng như quan điểm thiếu nhất quán của Ban tổ chức giải trong những vấn đề có tính nhạy cảm. Chẳng hạn, liên quan tới chấn thương của tiền đạo Abass (Bình Dương) trong trận chung kết Cúp Quốc gia với Hà Nội T&T, nhiều người đặt câu hỏi: Quế Ngọc Hải gây chấn thương nặng cho cầu thủ SHB Đà Nẵng thì bị phạt nặng, không được lên tuyển. Vậy thì sao Thanh Hào (Hà Nội T&T) gây chấn thương cho Abass vẫn được gọi vào đội tuyển quốc gia?

Mùa giải V.League 2015 đã hạ màn, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF cần nghiên cứu hoàn thiện Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của bóng đá Việt Nam, không thể dập khuôn máy móc theo các quy định trong quy chế cũng như điều lệ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Còn một khía cạnh, không thể không đề cập, mùa giải vừa qua, nhiều CLB rơi vào tình cảnh “ăn đong”, chật vật tìm nhà tài trợ. Lãnh đạo một đội bóng than phiền rằng, có thời điểm đội bóng của ông lâm vào khủng hoảng, không có lương để trả cầu thủ và có nguy cơ phải giải thể. Tuy nhiên, đội bóng của ông không hề nhận được sự giúp đỡ nào từ VFF cũng như VPF. Trong khi đó, VPF lại sẵn sàng trả lương từ 600 - 700 triệu đồng kèm vé máy bay hạng VIP, phòng hạng sang... cho một vị Phó Tổng giám đốc phụ trách tài trợ, quảng cáo, nhưng 4 năm qua chưa mang về được hợp đồng nào...

Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể nói rằng, dù mang danh một giải đấu chuyên nghiệp, nhưng thực chất V.League hoàn toàn là nghiệp dư. Một nền bóng đá như thế thì làm sao có được một đội tuyển mạnh. Vì thế, đừng trách các “ông bầu”, các đội bóng, cầu thủ, mà cần xem xét lại vai trò của tổ chức, cá nhân đảm nhận trách nhiệm điều hành nền bóng đá Việt Nam.
Yến Nhi
Trồi sụt… V.League
Trồi sụt… V.League

Bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm được nhìn nhận không mấy lạc quan, nhất là sau một mùa giải V.League vừa kết thúc để lại không ít điều tiếng xấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN