Trước đây, từng có những chiếc bánh chưng khổng lồ mà khi cắt ra, người ta phải dùng xẻng để xúc, khay để khuân. Mỗi phần bánh “chia lộc” đến tay người ăn đã nát nhoét, gạo đỗ lổn nhổn, chưa kể chua, sượng. Cũng từng có những chiếc bánh dày dâng giỗ Tổ được vận chuyển công phu từ Nam ra Bắc, khi mở bánh ra mới thấy ngoài gạo nếp làm bánh còn có xốp, mút và khung sắt. Thậm chí, có những chiếc bánh sau khi nằm chình ình “dự” cúng kiếng trong mưa nắng, thì đã mốc meo không thể sử dụng được.
Vậy đấy, “to” không phải khi nào cũng đi cùng với “đẹp”, với ngon lành.
Thực ra, từ trước chúng ta rất lâu, đây đó trên thế giới, thi thoảng vẫn có thông tin về những sản phẩm với kích thước khổng lồ, như bánh pizza, bánh mì, bánh sandwich, xúc xích… được thực hiện, và ghi được kỷ lục thế giới. Có những sản phẩm to nặng hơn những chiếc bánh chưng, bánh dày của nước ta, và đa phần được đón nhận với sự hào hứng của người chiêm ngưỡng. Chắc chắn rằng khi thực hiện những chiếc bánh quá khổ, người đầu bếp sẽ rất khó khăn để đảm bảo hương vị cho sản phẩm. Tuy nhiên, thiện ý của người làm được ghi nhận, và thể tất cho những sơ xuất (nếu có) nếu những chiếc bánh thành phẩm không được ưng ý tuyệt đối.
Những sản phẩm “vĩ đại” như bánh chưng, bánh dày ở ta cũng vậy. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo bánh chín, còn nguyên hình khuôn khổ… là những nỗ lực của cả một đội ngũ thực hiện. Chưa kể khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện, thì ý tưởng về việc tổ chức một sự kiện lớn, mang lại sự hào hứng của đông đảo công chúng, cũng là điều đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, như đã nêu, “to” không phải khi nào cũng song hành với “đẹp”. Trong truyền thuyết của nước ta về bánh chưng bánh dày, Lang Liêu đã dành trọn tâm huyết và lòng thành kính vào những sản vật đặc trưng của nền sản xuất lúa nước: gạo, đỗ, thịt lợn, lá dong… để hình thành nên chiếc bánh gói trọn trời tròn đất vuông, với màu trắng trong thanh khiết và xanh mướt của thiên nhiên, vạn vật. Nhỏ nhắn vừa vặn, chính là thẩm mỹ của dân tộc ta chứ không phải sự khổng lồ, hoành tráng. Chiếc bánh chưng vuông vắn, chiếc bánh dày tròn trịa mà mỗi người có thể tự làm dâng lên tổ tiên bằng chính đôi tay của mình, bản thân nó đã là sự hoàn thiện cả về ý nghĩa và thẩm mỹ. Việc cố tình “nâng” trọng lượng, kích thước của những chiếc bánh, dù với ý nghĩa nào đi nữa, cũng thể hiện sự ngô nghê trong suy nghĩ, bởi không phải bánh “to” là gói ghém được nhiều tâm huyết hơn, thể hiện được lòng thành kính của số đông hơn. Không một trọng lượng nào đại diện cho đủ tấm lòng của hàng triệu con dân nước Việt với tổ tiên, đất nước, nên dù bánh có nặng 3 tấn, hay 30 tấn, cũng chỉ là cuộc chạy đua vô nghĩa của con số mà thôi. Khi những giá trị ngàn đời bị làm méo mó bằng cách hiểu ngô nghê, thì người ta đã lấy sự hoành tráng thô kệch ra để minh hoạ cho nét văn hoá tinh thần rất ý nhị của cha ông thuở trước.
Thêm vào đó, song song với những chiếc bánh lớn, là những lễ lạt dềnh dang, tốn kém để thực hiện, bảo quản, vận chuyển và dâng cúng. Đành rằng các sản phẩm “vĩ đại” thường được thực hiện với kinh phí “xã hội hoá”, từ nguồn cúng tiến của các doanh nghiệp, cá nhân, nhưng đây vẫn là sự lãng phí không đáng có. Về phía doanh nghiệp tài trợ (nếu có), dù với mục tiêu nào, thì “danh thơm”chưa nổi đã phải đối diện với hàng loạt vấn đề. Về phía xã hội, thì sự tốn kém là có thực. Trong lúc nhiều người còn phải lo miếng cơm bát cháo hàng ngày hay trong bệnh viện, thì một chiếc bánh với hàng tấn thực phẩm làm nguyên liệu phải bỏ đi đa phần, thật sự là lãng phí đáng chê trách.
Có ý kiến cho rằng việc dâng tiến những chiếc bánh chưng, bánh dày khổng lồ là sự thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên. Dù biện minh cách nào, thì lòng thành kính không bao giờ đo đếm bằng trọng lượng những thứ dâng tiến. Vua Hùng thuở trước đã ghi nhận cặp bánh mộc mạc của người con có hiếu Lang Liêu, bởi đó chính là vật phẩm tinh tuý được nâng niu thực hiện, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, ông bà. Nay, những chiếc bánh chưng, bánh dày dâng cúng trong lễ giỗ Tổ, hoàn toàn có thể thực hiện một cách ý nghĩa, bằng cách thay cho những chiếc bánh hoành tráng, là hàng trăm chiếc bánh nhỏ, huy động sự chung tay đóng góp tiền của và công sức của mọi người, để sau khi dâng tiến có thể phát tặng tới các gia đình, các trung tâm nuôi dưỡng người khó khăn. Thậm chí, một “quỹ bánh chưng bánh dày” hoàn toàn có thể gây dựng, kêu gọi sự chung sức của cả cộng đồng, để không chỉ làm bánh vào lễ Giỗ tổ, mà còn nhằm thực hiện những cặp bánh để biếu tặng những gia đình neo đơn, hoàn cảnh mỗi dịp tết đến, xuân về. Lòng nhân ái, đoàn kết, đùm bọc và sự thiết thực mới là những “sản vật” ý nghĩa, thể hiện lòng thành kính lớn lao của lớp con cháu ngày nay dâng lên tiên tổ.