Tuy nhiên, cuộc đấu tranh vì quyền an toàn lao động thì vẫn là một vấn đề dai dẳng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Hôm 24/11, cha của một nữ công nhân Samsung 22 tuổi qua đời vì bệnh ung thư và đồng chủ tịch Samsung Electronics Kim Ki-nam đã cùng ký một bản thỏa thuận giải quyết vụ bê bối kéo dài từ năm 2007, trước sự chứng kiến của các cựu công nhân Samsung bị bệnh tật khác. “Chúng tôi thành thật xin lỗi các công nhân đã mắc bệnh và gia đình của họ. Chúng tôi đã không thể kiểm soát một cách xứng đáng những rủi ro về sức khỏe tại các nhà máy sản xuất LCD và chip bán dẫn của chúng tôi”, đại diện Samsung cúi rạp đầu xin lỗi.
Samsung Electronics hiện đang vận hành các tổ hợp sản xuất chip bán dẫn và màn hình LCD khổng lồ ở tỉnh Suwon, hai thành phố Hwaseong, Pyeongtaek ở phía nam Seoul, cũng như một nhà máy ở Tây An (Trung Quốc). Các nhóm vận động vì quyền của người lao động cho rằng, có khoảng 240 công nhân đã mắc các bệnh liên quan đến công việc khi làm việc trong các nhà máy Samsung ở Hàn Quốc, trong đó khoảng 80 người đã tử vong hoặc đang trong cảnh chờ chết. Các công nhân Samsung trong nhóm khởi kiện đã mắc tổng cộng 16 loại bệnh ung thư khác nhau, một số loại hiếm gặp, bị sẩy thai hoặc sinh ra con mắc các bệnh bẩm sinh. Theo thỏa thuận dàn xếp bên ngoài tòa án, Samsung Electronics sẽ đền bù cho các nạn nhân lên tới 150 triệu won (182.000 USD) mỗi trường hợp và tổng số tiền đền bù là 150 triệu USD.
Phải mất tới 11 năm kể từ khi vụ bê bối được đưa ra ánh sáng, một “người khổng lồ” tầm cỡ hàng đầu thế giới như Samsung mới chấp nhận chịu trách nhiệm về điều kiện lao động cho các công nhân của mình. Vụ việc đã góp thêm một tiếng nói, một lời cảnh báo xung quanh vấn đề bảo đảm điều kiện an toàn lao động cho công nhân tại hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở Việt Nam.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2017 đã tiến hành khảo sát về điều kiện lao động ở một số ngành nghề và đưa ra nhiều đánh giá đáng lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân: Từ những doanh nghiệp ngành may mặc, nơi công nhân phải tiếp xúc với bụi bông, tiếng ồn; ngành chế biến hải sản liên quan đến các hóa chất khử trùng; ngành giày da tiếp xúc với nhiều dung môi hữu cơ; ngành chăn nuôi gia súc gia cầm với nguy cơ độc hại từ bụi lông, bụi thức ăn, chất thải, cho đến các ngành sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí luyện kim, sản xuất xi măng, phân bón với nhiều loại hóa chất được sử dụng…
Nhưng có thể thấy những gì chúng ta nhìn thấy lâu nay hầu hết chỉ là thông tin và những con số thống kê về tai nạn lao động. Theo báo cáo từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn. Tuy nhiên, tai nạn lao động chỉ là những sự cố nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường, trong khi những ảnh hưởng từ môi trường, điều kiện lao động nhiều khi là không thể đo đếm, quan sát trực tiếp. Những ảnh hưởng tới sức khỏe cả thể chất và tinh thần của người lao động có thể là những tác động âm thầm, kéo dài, và khi đã biểu hiện ra bên ngoài thì đã dẫn tới những hậu quả nặng nề, như trong vụ bê bối Samsung.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để một mặt thường xuyên giám sát, chấn chỉnh việc bảo đảm điều kiện lao động tại các doanh nghiệp cũng như xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh, một mặt cần tăng cường tuyên truyền để người lao động ý thức được quyền lợi của họ và dũng cảm lên tiếng nếu nhận thấy doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong bảo đảm an toàn môi trường lao động.
Trong lời phát biểu đầy xúc động tại Seoul hôm 24/11, ông Hwang Sang-kim, người đại diện ký thỏa thuận với Samsung, cho biết ông đã hoàn thành được lời hứa với con gái, người qua đời năm 2007 vì bệnh bạch cầu: chứng minh Samsung chịu trách nhiệm cái chết của cô. “Không lời xin lỗi nào là đủ để hàn gắn tất cả những hậu quả, những nỗi đau bệnh tật và những tổn thất khi mất đi người thân trong gia đình”, ông Hwang nghẹn ngào.
Đừng để đến khi lời xin lỗi được cất lên, hay khi những khoản tiền đền bù được dàn xếp, bởi không có gì quý giá bằng sức khỏe và an toàn của người lao động, những tế bào dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế.