Lãng phí trợ giá xe buýt

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên là việc trợ giá cho xe buýt đã trở thành vấn đề “nóng” tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa kết thúc cách đây ít ngày. Theo thống kê, năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã dành hơn 1.300 tỷ đồng và Hà Nội dành 500 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Một trong những mục tiêu của việc trợ giá là đáp ứng khoảng 43% nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt. Tuy nhiên, việc vận tải hành khách bằng phương tiện này ở hai thành phố lớn nói trên mới chỉ đáp ứng được từ 10% đến 11% so với nhu cầu.


Làm thế nào để việc trợ giá không bị lãng phí mà vẫn phát triển hợp lý loại hình phương tiện công cộng này, là vấn đề được các đại biểu Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh tranh luận khá gay gắt. Có đại biểu nêu dẫn chứng: Số tiền mà TP Hồ Chí Minh trợ giá cho xe buýt năm 2013 còn cao hơn cả với mức thu ngân sách bình quân của một tỉnh, thành phố ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với đà “phủ sóng” như hiện nay, chắc chắn mức trợ giá cho xe buýt ở TP Hồ Chí Minh sẽ không dừng lại ở con số 1.400 tỷ đồng. Còn tại Hà Nội, năm 2013, ngân sách thành phố đã phải chi 500 tỷ đồng trợ giá cho khoảng 1.000 đầu xe. Vậy đến 2015, số tiền trợ giá sẽ là bao nhiêu và đáp ứng bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô? Đây cũng là câu hỏi không dễ trả lời.


Có thể nói rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay trong hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là sự lãng phí luồng tuyến, trùng lặp tuyến, lãng phí đầu xe, cũng như nỗi kinh hoàng về nạn phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến, thái độ phục vụ kém của một bộ phận không nhỏ lái phụ xe... Nhiều người lo ngại trước hiệu quả thấp của loại hình dịch vụ này. Đã xuất hiện tình trạng, do một số tuyến vắng khách, nhà xe đối phó bằng cách xé vé khống, cốt sao đạt mức khoán về số hành khách vận chuyển để được hưởng trợ giá. Thực tế cho thấy, rất ít người dân lựa chọn xe buýt để đi làm, bởi họ lo lắng xe chạy không đúng giờ, bỏ tuyến. Chỉ những người đi chơi, du lịch hoặc giải quyết công việc không quá khắt khe về thời gian và học sinh, sinh viên là hay sử dụng xe buýt để đi lại.


Để việc trợ giá không bị lãng phí mà vẫn phát triển hợp lý loại hình vận tải hành khách công cộng này là việc mà các cơ quan chức năng cần có sự tính toán cụ thể. Hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng là xu thế tất yếu ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, để việc trợ giá cho loại hình phương tiện công cộng này sao cho không lãng phí, cân bằng giữa khoản tiền trợ giá với nhu cầu đi lại của người dân, thì việc cần thiết trước mắt đó là phải có một lộ trình điều chỉnh phí hợp lý. Quan trọng hơn, đó là việc quy hoạch và phân bổ khoa học các luồng tuyến xe buýt sao cho phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.


Phải thấy rằng, khoản tiền trợ giá cho xe buýt mỗi năm ngày một phình to và trở thành gánh nặng cho ngân sách địa phương (cụ thể là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Thế nhưng, những người có trách nhiệm vẫn cố tình lấp liếm nó đi và vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nhằm sử dụng có hiệu quả. Có lẽ, cùng với giải pháp là cần khẩn trương thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng của các đơn vị tham gia kinh doanh xe buýt; thì ngay từ bây giờ, cần phải tính đến việc xây dựng một lộ trình giảm trợ giá xe buýt và tiến tới chấm dứt việc trợ giá mà vẫn đạt được mục tiêu.


Yến Nhi

Hành khách xe buýt tay không bắt cướp có súng
Hành khách xe buýt tay không bắt cướp có súng

Đoạn video kịch tính ghi lại hình ảnh các hành khách trên xe buýt tay không dũng cảm khống chế tên cướp có mang theo súng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN