Điểm mới nổi bật của phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người trả lời chất vấn mà tất cả các thành viên Chính phủ, trưởng ngành có nội dung liên quan đều phải trả lời. Có lẽ chính sự cởi mở đó đã tạo nên không khí tranh luận rất sôi nổi ở nghị trường, và điểm mới nữa là không chỉ tranh luận của các đại biểu Quốc hội với các bộ trưởng, trưởng ngành mà còn có tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội.
Lắng nghe chất vấn và trả lời chất vấn, chúng ta biết được thông tin về tình hình thời sự của đất nước, những vấn đề đang được xã hội, cử tri quan tâm về mọi mặt như: Chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; kiểm soát nợ nước ngoài; chống thất thu thuế; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; xử lý các dự án thua lỗ của ngành Công Thương; phát triển ngành công nghiệp ô tô; ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép; ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề; quy hoạch thủy điện; phát triển nhà ở xã hội; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục…
Bên cạnh những vấn đề trọng đại, vĩ mô, các sự vụ cụ thể gây bức xúc dư luận cũng đã được mổ xẻ, phân tích và nhận trách nhiệm trên hội trường. Đó là câu chuyện đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ, hay việc dự thảo quy chế “bán dâm 4 lần mới bị đuổi học”… Vụ việc cụ thể nhưng không phải vụn vặt, từ những trường hợp cụ thể đó mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn đã kết luận “quy định nào bất hợp lý thì cần sửa cho dân nhờ”.
Phiên chất vấn có nội dung là về việc thực hiện 3 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn, hay gọi nôm na là việc thực hiện “lời hứa” của các bộ trưởng, trưởng ngành. Do đó, các đại biểu Quốc hội hỏi nhiều vấn đề đan xen và các bộ trưởng, trưởng ngành cũng sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào một cách thẳng thắn, đúng quy định “hỏi 1 phút - trả lời 3 phút”. Những giải pháp đưa ra cũng rất căn bản, cụ thể, đáp ứng mong muốn của người hỏi. Điều này chứng tỏ các bộ trưởng, trưởng ngành nắm chắc lĩnh vực mà bộ, ngành mình phụ trách, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri.
Không khí tranh luận sôi nổi trên nghị trường cũng là một điểm nhấn tại phiên chất vấn của kỳ họp này. Thống kê trong 3 ngày chất vấn đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và 82 lượt đại biểu tham gia tranh luận. Có thể thấy hầu như những phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành đều có sự trao đổi, tranh luận của đại biểu. Thậm chí phiên họp sáng ngày 1/11 còn chứng kiến sự tranh luận về con số “sai phạm của cơ quan điều tra” giữa đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Không khí tranh luận này thể hiện tính dân chủ ở cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Tranh luận không có nghĩa là tranh cãi, mà là trao đi đổi lại để làm sáng tỏ vấn đề, góp sức vào công việc chung của đất nước.
Hiệu ứng từ tinh thần dân chủ trên Quốc hội cần được lan tỏa ra xã hội. Đó là trước những vấn đề chung của đất nước, hay của cơ quan đơn vị, chúng ta cần những ý kiến đóng góp thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, dù cho là quan điểm có trái ngược nhau nhưng kết quả sẽ có thêm thông tin đa chiều cần thiết. Những người có ý kiến trái chiều không có nghĩa là họ sẽ không chấp hành quyết định sau khi đã được quá bán số phiếu của tập thể quyết định. Đó chính là nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều này khác với việc lúc họp bàn thì không ai đóng góp ý kiến, nhưng khi thực hiện quyết định đã ban hành lại bàn ra tán vào. Hay ở một thái cực khác như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã nêu, tranh luận là tín hiệu tốt nhưng không nên quy chụp, tạo ra sự gay gắt như trên mạng xã hội mấy ngày qua.
Bởi vậy, lắng nghe chất vấn không chỉ học được nhiều mà còn ngẫm ra nhiều.