Giữa nhiều chỉ số tích cực được công bố, có một chỉ số ít người để ý. Đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng đã tăng 12,1%, ước đạt 1.128,7 nghìn tỷ đồng và bằng 33,9% GDP. Đáng lưu ý hơn, trong khi nguồn vốn từ khu vực Nhà nước chỉ tăng 7,2%, thì khu vực ngoài Nhà nước tăng mạnh tới 15,9%, cao hơn cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu tư xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng nền kinh tế. Trong số bốn tham số tạo nên GDP, bao gồm tiêu dùng của người dân, chi tiêu chính phủ, đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu, thì đầu tư doanh nghiệp thường được coi là một động lực chính cho tăng trưởng GDP, đặc biệt là đối với một quốc gia nơi người dân có tâm lý tiết kiệm và nguồn lực từ chính phủ không còn dư dả.
Theo dõi các chỉ số thống kê hàng quý trong 2 năm qua, có thể thấy kể từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có xu hướng tăng đều và với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Con số 110 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016, cao kỷ lục, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã thực sự tin tưởng vào cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhận xét: “Có thể nói chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp lại được đề cao, thực hiện sâu rộng như năm qua”.
Từ trước đến nay, câu cửa miệng của các doanh nghiệp tư nhân mỗi khi được hỏi về những khó khăn mà họ phải đối mặt luôn là “thủ tục hành chính”. Thậm chí, cụm từ này còn bị đẩy lên một cách ngoa ngoắt “hành là chính”. Hàng loạt giấy phép “mẹ”, giấy phép “con”, giấy phép “cháu” được vẽ ra để hành doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thủy sản phàn nàn rằng thời gian quy định để xin giấy tiếp nhận hợp quy là 7 ngày, nhưng họ phải mất tới 4 tháng 4 ngày mới xong thủ tục, dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết 35 của Chính phủ, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng và nhận thức trong tinh thần và thái độ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ở cấp Trung ương, các bộ ngành đã xây dựng chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện nghị quyết, mạnh dạn cắt bỏ nhiều thủ tục, giấy phép đầu tư. Ở cấp địa phương, các tỉnh thành cũng tích cực xắn tay triển khai nghị quyết, đưa ra nhiều sáng kiến hỗ trợ và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Mới đây một doanh nhân trẻ đã chia sẻ: “Đúng là chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy doanh nghiệp tư nhân được quan tâm như lúc này”.
Trong số các bộ ngành, Bộ Tài chính là đơn vị tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuế và hải quan, những lĩnh vực sát sườn với doanh nghiệp. Mới đây nhất, Bộ Công thương công bố cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh, một con số lớn chưa từng thấy, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng thuộc lĩnh vực bộ này quản lý.
Có thể vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Chẳng hạn những doanh nghiệp mới thành lập trên đây không thuộc nhóm có thể đẩy nhanh tăng trưởng GDP trong thời gian tới; hoặc các bộ chỉ cắt giảm nhiều thủ tục thuộc lĩnh vực… không ai muốn đầu tư; hay cải cách thủ tục hành chính “trên nóng, dưới vẫn lạnh”. Tuy nhiên, qua những số liệu vừa công bố đã có thể cảm nhận một “làn gió mát” từ những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ đang lan tỏa trong xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.