40 năm đã trôi qua kể từ ngày Quân đội nhân dân Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến hành cuộc tấn công đánh đuổi chế độ diệt chủng Pol Pot. Đất nước Chùa tháp hồi sinh và ngày càng phát triển. Những kẻ cầm đầu chế độ diệt chủng bị đưa ra tòa án quốc tế xét xử. Trong những sự kiện lịch sử đó không thể không nhắc lại sự hy sinh và tinh thần quốc tế cao cả của quân đội và nhân dân Việt Nam.
Ngày 7/1, lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979 - 7/1/2019) đã được tổ chức long trọng và tưng bừng tại sân vận động Olympic ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Hàng nghìn người dân Campuchia mang cờ hoa rực rỡ cùng đại diện các bộ, ban, ngành Chính phủ hoàng gia cùng nhau nhìn lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, để trân trọng hơn trước những thành tựu của đất nước trong kỷ nguyên mới độc lập, hòa bình, tự do, phát triển.
Trong diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ: “Xin đại diện cho người dân Campuchia, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, Quân đội và người dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia trong quá trình đấu tranh để giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ để ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng này, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia. Nghĩa cử này mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia".
Lời cảm ơn chân thành của Thủ tướng Campuchia Hun Sen một lần nữa đã khẳng định những công lao to lớn, sự hy sinh tột bậc cũng như nghĩa cử nhân đạo quốc tế cao đẹp của quân đội và nhân dân Việt Nam trong công cuộc đánh đổ một chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.
Trong tâm trí của người dân Campuchia không bao giờ phai nhạt những hình ảnh ghê rợn về tội ác của Pol Pot trong các cuộc "thanh lọc xã hội" những năm thập niên 1970. Đất nước bị phong tỏa khỏi thế giới bên ngoài. Hàng triệu người dân phải rời bỏ quê hương, lao động khổ sai, bị chết đói hoặc bị giết hại theo những cách dã man hơn thời Trung cổ. Những "cánh đồng nghĩa địa", "hố chôn tập thể" xuất hiện khắp nơi trên đất nước Chùa tháp. Chỉ trong 4 năm cầm quyền, chúng đã giết hại khoảng 3 triệu người trong tổng số 8 triệu người dân Campuchia.
Với người dân ở Việt Nam, nhất là ở các vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia, tập đoàn Pol Pot cũng gây ra nhiều tội ác tày trời. Từ năm 1970, chúng liên tiếp gây ra các vụ xâm phạm lãnh thổ, đánh chiếm các đảo, triệt phá các làng mạc, giết hại người dân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 18/4/1977, tại xã Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang), lính Pol Pot đã dồn người dân hiền lành để bắn giết tập thể bằng những hành vi vô cùng man rợ như đập vỡ đầu, cắt cổ, mổ bụng. Chỉ riêng tại xã này chúng đã giết hại 3.157 người, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em, trong đó có hơn 100 gia đình bị giết cả nhà.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do ông Heng Samrin đứng đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng quân đội giải phóng Campuchia tiến hành cuộc tiến công đánh đổ chế độ Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. 10 năm sau đó, theo đề nghị của phía Campuchia, bộ đội Việt Nam tiếp tục giúp đỡ quân đội nước bạn, lúc đó còn rất non yếu, để xây dựng lực lượng và ngăn chặn Khmer Đỏ ngóc đầu trở lại. Năm 1989, ta rút toàn bộ quân khỏi Campuchia sau khi hoàn thành sứ mệnh quốc tế cao cả.
Để giành được những thắng lợi đó, Việt Nam đã chịu những tổn thất vô cùng lớn. Trong 10 năm giúp nhân dân Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ Khmer Đỏ, hơn 12 vạn chiến sĩ của ta đã hy sinh, hàng chục vạn người bị thương, chủ yếu do mìn sát thương gây ra.
Điều đáng nói là sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, một số nước và tổ chức quốc tế trên thế giới vẫn công nhận và ủng hộ chính phủ lưu vong này, thậm chí còn tài trợ tiền bạc hòng giúp chúng trở lại nắm quyền. Những tội ác diệt chủng bị làm ngơ. Thay vào đó, họ quay sang công kích vô căn cứ các nghĩa cử cao đẹp cùng sự hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam. Trong nhiều năm, Việt Nam tiếp tục bị cô lập và cấm vận kinh tế. Được thể, các tổ chức phản động cùng những đối tượng bất mãn cũng hùa vào lên án Việt Nam, bất chấp những tiếng nói tiến bộ của bạn bè quốc tế và của chính người dân Campuchia vừa hồi sinh khỏi một chế độ tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại.
Nhưng đã là sự thật thì không gì có thể phủ nhận. Các chuyên gia và học giả quốc tế đều cho rằng trong nhiều năm liền, thế giới bên ngoài hầu như không biết hoặc cố tình bỏ qua hành động diệt chủng và vi phạm nhân quyền một cách man rợ của chế độ Khmer Đỏ xảy ra tại Campuchia. Giáo sư Go Ito, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản về quan hệ quốc tế, đánh giá: Việc quân đội Việt Nam tiến vào Campuchia, lật đổ chế độ Khmer Đỏ là một hành động giải cứu nhân loại, là một đóng góp lớn của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế.
Dưới ánh sáng của công lý, lần lượt các thủ lĩnh của Khmer Đỏ bị đưa ra tòa án để xét xử cho những hành vi tội phạm mà chúng gây ra. Tháng 11/2018, hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea, nguyên chủ tịch Quốc hội Campuchia Dân chủ và Khieu Samphan, nguyên chủ tịch nước đã bị kết án chung thân. Trước đó, năm 2014, hai tên này đã nhận án tù chung thân vì các tội ác chống lại loài người. Tòa án đặc biệt tại Tòa án Campuchia (ECCC) dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã kết thúc với phán quyết rất rõ ràng: Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng.
Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam không chỉ ghi một dấu ấn trong lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, mà còn mang đậm tính chất của một cuộc chiến nhân đạo giúp người dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, bảo vệ nền hòa bình thế giới. Một số kẻ vẫn ngoan cố đánh tráo khái niệm của cuộc chiến này, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Nghĩa cử cao cả của quân đội và nhân dân Việt Nam là điều không thể phủ nhận.