Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, ông Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết năm nay có 22 cuộc thi hoa hậu được cấp phép chính thức, trong đó có 8 cuộc dồn lại từ năm 2021 do vướng dịch COVID-19, nên số lượng không phải là quá nhiều như dư luận phản ánh.
Tuy nhiên, khi mà các cuộc thi hoa hậu được tổ chức dồn dập trong 7 tháng qua, khán giả cảm thấy “bội thực” là điều dễ hiểu. Chưa kịp nhớ tên, nhớ mặt cô hoa hậu, nàng á hậu ở cuộc thi này thì đã có cả chục hoa hậu, á hậu nữa ra đời sau các cuộc thi khác. Lên mạng gặp hoa hậu, ra ngõ gặp hoa hậu…
Ngoài các cuộc thi đã được tổ chức trong năm 2022, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cuộc thi nữa như Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)...
Ngoài những cái tên quen thuộc và có thương hiệu như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam…, có những cái tên khá lạ tai: Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Miss Fitness Vietnam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng… Thậm chí có cả hai cuộc thi trùng tên tiếng Việt “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”, nhưng lại khác tên tiếng Anh (Miss Peace Vietnam và Miss Grand Vietnam).
Có 22 cuộc thi hoa hậu nhưng hình thức tổ chức đều na ná nhau và mục tiêu đều là tìm ra người có vẻ đẹp hình thể, trí tuệ, nhân cách nổi trội nhất. Tiêu chí, hình thức giống nhau nhưng tại sao lại có nhiều cuộc thi như vậy?
Lý do một phần là Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ ra đời từ năm 2021. Theo đó, các cuộc thi sắc đẹp chỉ cần được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nghị định cũng không giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.
Được tiếp sức từ nghị định này nên sau khi dịch bệnh COVID-19 lắng xuống, các đấu trường sắc đẹp bùng nổ, bùng phát về số lượng.
Như được cởi trói, các công ty, tổ chức “đua” nhau tham gia vào ngành kinh doanh hái ra tiền này. Tiền từ các nhà tài trợ, nhà quảng cáo… rót vào mỗi cuộc thi không phải là nhỏ.
Khi có nhiều “sàn đấu”, cơ hội tham gia đọ sắc đẹp cũng nhiều hơn với những ai muốn chạm tay vào danh hiệu hoa hậu/á hậu. Với một số cô gái được trời ban cho chút nhan sắc và khao khát ánh hào quang như những hoa hậu đi trước, họ coi danh xưng hoa hậu là một cách để đổi đời, một cách để vươn tới thế giới giàu sang, nổi tiếng, lấp lánh. Nếu không vướng bê bối hậu đăng quang, sau vương miện hoa hậu thường là rất nhiều sự kiện, hoạt động, hợp đồng quảng cáo và lợi ích khác chào đón họ. Mới đây, báo chí đưa tin rằng sau 3 tháng trở thành Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên có thu nhập lên đến 70 tỷ đồng. Vì thế cũng dễ hiểu khi không ít người theo đuổi chiếc vương miện hoa hậu hết cuộc thi này tới cuộc thi khác, hết năm này tới năm khác.
Khi số lượng tăng thì không phải cuộc thi nào cũng đảm bảo được chất lượng, từ chất lượng ban tổ chức, ban giám khảo tới thí sinh.
Mới đây, bà Đ.T.H (35 tuổi, Vũng Tàu) - Á hậu 3 Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 - đã tố cáo ban tổ chức cuộc thi này mua bán giải, trong đó chính bà H nói rằng mình đã bỏ 800 triệu đồng để mua giải á hậu 3. Chưa rõ thực hư vụ mua bán giải, nhưng sau vụ việc, ban tổ chức cuộc thi đã bị phạt 20 triệu đồng.
Vì thiếu thí sinh nên có cuộc thi chấp nhận cả người từng phẫu thuật thẩm mỹ, độ tuổi tới 45, chấp nhận cả người đã lập gia đình. Còn xét về thành phần ban giám khảo, theo tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng, có cả những “ca sĩ không tên tuổi, chuyên viên trang điểm, làm tóc, thậm chí chủ spa… không có trình độ chuyên môn cũng đi làm giám khảo”.
Trước thực trạng bùng phát hoa hậu và những vấn đề đi kèm, dư luận lại tranh luận việc siết chặt hay để tự đào thải. Có người nói Việt Nam chỉ cần vài ba cuộc thi hoa hậu chất lượng mỗi năm là đủ. Người lại cho rằng không cần siết chặt số lượng, vì các cuộc thi được tổ chức theo kiểu chộp giật trước sau rồi cũng sẽ bị đào thải theo quy luật.
Nói rộng ra, thi sắc đẹp cũng là một phần của ngành giải trí. Nếu có nhiều sản phẩm nhàm chán, khán giả sẽ tự khắc quay lưng. Theo thời gian, chỉ những cuộc thi uy tín, chất lượng mới có chỗ đứng.
Trước đây, Việt Nam thường loay hoay chọn thí sinh cho các cuộc thi nhan sắc quốc tế - một đấu trường đòi hỏi cả sắc lẫn tài và một loạt kỹ năng mà không nhiều hoa hậu trong nước hội đủ.
Năm nay, với 22 cuộc thi, sẽ có 22 hoa hậu và dăm ba chục á hậu, tưởng như Việt Nam có rất nhiều, thậm chí thừa hoa hậu để lựa chọn. Thế nhưng, chỉ hoa hậu/á hậu của một số cuộc thi nhất định mới đủ điều kiện để ra đấu trường quốc tế. Từ thực tế này, có thể nói hoa hậu Việt Nam vừa thừa vừa thiếu. Thừa cuộc thi nhưng chưa đủ những gương mặt có thể làm nên lịch sử như H'Hen Niê, Thùy Tiên hay Phương Khánh.