Có lẽ, với cách làm hiện nay, tất cả đang là sự đối phó, khiên cưỡng, bởi “sắt đá còn có độ mỏi huống chi sức người”. Một cán bộ quận nói với tôi rằng: “mỗi lần đến nhắc nhở, cưỡng chế bị dân la ó, mỉa mai và phản kháng, lâu dần cũng nản. Bởi cán bộ đâu đủ lực lượng để túc trực 24/24 trên hàng nghìn quán xá”. Những lời chia sẻ đấy là rất thật và đúng thực tế những gì đang diễn ra trên vỉa hè thời gian dài qua.
Công an Phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa xử lý xe ô tô vi phạm đỗ trên vỉa hè phố Đông Các. Ảnh: Thùy Dương/TTXVN phát |
Chúng ta nên có cách nhìn nhận về việc lập lại trật tự vỉa hè là rất bình thường và là công việc thường xuyên, lâu dài; trong đó trách nhiệm quản lý là của chính quyền, còn người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn. Và trong cách làm cũng phải thấu đáo, đi vào lòng người, với những tính toán phù hợp, khoa học, đúng với nhu cầu, thực tiễn từng vùng, từng địa phương, bởi mỗi nơi có một tập quán, lịch sử, văn hóa hoàn toàn khác nhau.
Muốn vậy, phải công tác tuyên truyền được đề cao, bàn bạc để người dân cảm phục, từ đó đồng thanh, đồng tình ủng hộ và thực hiện, bởi không có ai cương chế, giám sát tốt bằng chính nhân dân. Đặc biệt, lúc làm cũng cần tạo sự công bằng, tránh sự bức xúc, bất mãn trong các hộ kinh doanh, buôn bán.
Tình trạng vi phạm đã để ở mức tràn lan, trên diện rộng, khó kiểm soát. Lâu lâu chính quyền lại mở “cuộc cách mạng vỉa hè”, nhưng tất cả là hình thức, hô hào, mang tính chất “rung cây”. Và rồi không ai đủ sức ôm cái cây để rung mãi và cuối cùng lại đứng yên. Trước áp lực của dư luận báo chí nhiều nơi rầm rộ ra quân để “lấy điểm”.
Và khi chính quyền làm mạnh, thì truyền thông cũng tung hô, thậm chí quá mức cần thiết, nên chưa tạo được sự đồng thuận trong đại bộ phận nhân dân. Đúng lý, đúng luật thì vỉa hè là của chung toàn xã hội và nhân dân, không được cá nhân, tổ chức nào xâm phạm, để không gian chung cho mọi người được hưởng, đồng thời góp phần an toàn giao thông.
Tất cả mỗi công dân đều phải có nghĩa vụ bảo vệ lấy vỉa hè, chứ không riêng gì chính quyền. Vậy nhưng, khi làm, lại giương cao khẩu hiệu: “đòi lại”, “giành lấy”, “của nhà nước thì phải trả”… Như vậy là nghe có vẻ to tát, chưa thỏa đáng, chưa tạo được sự đồng cảm, đi vào lòng người, để cùng nhau hợp tác, giữ gìn và bảo vệ.
Về phía người dân kinh doanh, cũng cần nhìn nhận khách quan, thấu đáo, vì vỉa hè đã mang lợi cho riêng họ rất nhiều, nhưng trách nhiệm để đóng góp, bảo vệ vỉa hè thì dường như chưa được là bao. Nếu chính quyền nơi nào không quan tâm, không quyết liệt thì kết quả cho thấy nơi đó xảy ra nhiều vi phạm.
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm nhắc nhở, yêu cầu hàng quán để đúng nơi quy định trên phố Bà Triệu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Có nghĩa, có nơi người dân đang làm theo cách đối phó. Vỉa hè nhiều nơi vi phạm nghiêm trọng, không được nhắc nhở, ngày một lấn chiếm, cơi nới, đến mức quá trớn. Có lẽ không ít nơi vỉa hè không khác gì tiện nghi sinh hoạt của một hộ gia đình sinh sống, từ thúng bạt, mái che, mái vẩy, bàn ghế, chõng ngủ, xong chảo, ô tô, xe máy… và chỉ một vật dụng hiếm thấy là giường ngủ không đưa ra vỉa hè. Và cái gì đã thành thói quen thì rất khó để thay đổi.
Còn về mặt quản lý, nhiều nơi xem vỉa hè là nơi ban phát bổng lộc, tình cảm, dẫn tới thiếu công bằng, khách quan. Nhà này thấy nhà kia vi phạm, lâu dần cũng làm theo, nếu không thì thiệt thòi, hàng hóa khó kinh doanh, ế ẩm. Khi chính quyền ra quân chiến dịch giải tỏa, thậm chí có nơi còn thông báo cho người nhà cất đồ đạc vào trước.
Như vậy, xét trên nhiều phương diện thì có nơi có lúc, nguyên nhân để xảy ra khó kiểm soát là do trách nhiệm từ hai phía là người quản lý và chủ thể sử dụng. Vừa qua, người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã đưa ra thông điệp khá thẳng thắn, trung thực với những số liệu vi phạm và khá mạnh mẽ được nhiều người đánh giá, úng hộ cao.