Lên án hoạt động khủng bố ở Đắk Lắk - Bài 4:

Hành trình không có điểm kết thúc

Vụ tấn công man rợ tại Đắk Lắk cho thấy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không bao giờ bằng phẳng, dễ dàng, mà luôn luôn đứng trước nhiều chông gai, thách thức khó lường. Cuộc sống đã dần trở lại bình thường với người dân Cư Kuin nhưng nỗi đau mất mát và ám ảnh về vụ việc có lẽ cần được thời gian xoa dịu. Hơn hết, mỗi người cần nêu cao cảnh giác trước cái ác vẫn lẩn khuất đâu đó trong bóng tối.

Chú thích ảnh
Hội viên, phụ nữ xã Ea Ktur nấu cơm hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, sau vụ tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur vào sáng 11/6. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Tội ác cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật và những sám hối, ăn năn sẽ được xem xét hưởng khoan hồng theo tinh thần nhân văn, nhân ái của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang vun xới. Dẫu vậy, sau vụ việc này, có lẽ một trong những bài học lớn được rút ra là chúng ta cần hài hòa hơn nữa giữa “xây” và “chống”. Một mặt đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cảnh giác với những mầm mống tội ác, tỉnh táo trước những âm mưu và thủ đoạn chống phá ngày càng khó lường trong thời đại số hóa, nhưng mặt khác chúng ta cần tiếp tục xây chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Với đồng bào dân tộc thiểu số thì điều này càng vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không chỉ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam, mà họ còn chính là “phên giậu” của Tổ quốc. Vì điều kiện tự nhiên, họ chịu những thiệt thòi trong tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Chính vì điều này, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định chính sách, nhằm “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” và rộng hơn là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ ngày đất nước đổi mới đến nay, nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai thực hiện, như: Dự án 327, Dự án 611, Chương trình 135, Chương trình 134… Các chính sách này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng khó, vùng sâu, vùng xa. Tương tự như vậy, các chính sách về văn hóa, giáo dục và y tế đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đi vào đời sống một cách thiết thực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Riêng vùng Tây Nguyên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, đáng chú ý là Chương trình 135-II, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo (Chương trình 30A), Chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh ở Tây Nguyên những năm gần đây luôn giữ ở mức khá, đời sống của người dân được cải thiện.

Chú thích ảnh
Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, vẫn là những nơi còn nhiều khó khăn. Ngay tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV mới đây, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã rất thẳng thắn nhận trách nhiệm về những “điểm nghẽn” của ba chương trình mục tiêu quốc gia khiến “rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên cương phên giậu của đất nước, đời sống còn gặp nhiều khó khăn”. Từ đó, khẳng định Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành sẽ nỗ lực thúc đẩy các giải pháp để giải quyết những vấn đề phát sinh trên thực tế, đáp ứng mong mỏi của đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này một lần nữa cho thấy nỗ lực, quyết tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung, hướng tới mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các vùng và các dân tộc.

Đây cũng chính là quyết tâm của Chính phủ nhằm thực hiện các chương trình hành động cụ thể hóa 6 nghị quyết mà lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành trong năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; và vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển vùng là một chủ trương xuyêt suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước, nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Vụ khủng bố vừa xảy ra tại Đắk Lắk với những mưu đồ chống phá phía sau đã sớm bị đánh bại bởi thế trận lòng dân vững chắc trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. Điều này càng thúc đẩy cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực chăm lo chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, cái gì còn hạn chế thì tìm cách tháo gỡ, cái gì làm tốt rồi thì phát huy làm tốt hơn nữa. Nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung, giống như một hành trình có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc, đó là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước vững bước đi lên.

Trung Sơn
Bộ Công an: Nhóm đối tượng tấn công tại Đắk Lắk là hoạt động khủng bố có tổ chức
Bộ Công an: Nhóm đối tượng tấn công tại Đắk Lắk là hoạt động khủng bố có tổ chức

Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh nội địa khẳng định hoạt động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023 là hoạt động khủng bố có tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN