Mấy năm gần đây, nhiều địa phương luôn bị dịch cúm gia cầm làm cho điêu đứng. Mỗi đợt dịch cúm gia cầm, cả nước lại phải tiêu hủy cơ man gà, vịt. Nhà nước phải chi nhiều tiền để khắc hậu quả, như mua vắc xin, hóa chất, vật tư tiêu độc, khử trùng, hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Còn người nuôi phải gánh chịu nỗi đau vì cơ nghiệp tiêu tan.
Có người đặt câu hỏi, tại sao gia cầm nhập lậu vẫn vô tư bày bán gà thải loại. Đơn cử như chợ đầu mối Hà Vĩ (Hà Nội), việc buôn bán gia cầm nhập lậu diễn ra một cách công khai với hàng nghìn gia cầm nhập lậu được tiêu thụ mỗi ngày. Một chợ gia cầm hoành tráng như thế, tiêu cực sao qua được mắt chính quyền? Người dân địa phương phản ánh, sở dĩ chợ gia cầm này cứ ung dung tồn tại là bởi nó mang lại nguồn thu “kha khá” cho địa phương. Hà Vĩ không phải là chợ cá biệt. Địa phương nào cũng có một vài “Hà Vĩ” với tình trạng buôn bán gia cầm không an toàn, những người có trách nhiệm làm một đằng, báo cáo một nẻo, hay nói cách khác là họ nhắm mắt làm ngơ cho tư thương buôn bán gia cầm nhập lậu trái phép.
Cùng với việc đưa gia cầm về các chợ đầu mối, các đối tượng buôn gia cầm bây giờ còn bắt tay với một số trang trại trên địa bàn, gửi gia cầm nhập lậu nuôi nhốt qua đêm để hợp thức hóa thành gia cầm sạch, sau đó đem ra chợ bán. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho cả nước nhiều năm qua cứ lao đao vì dịch cúm gia cầm.
Đặt lên bàn cân mới thấy, những khoản tiền trục lợi, nhiều khi nó cũng gây họa. Trong cái hại toàn cục, một số người đã cam tâm trục lợi, mà món lợi không hề nhỏ. Gia cầm nhập lậu, bán ra lãi gấp 6 đến 7 lần. Thịt gia cầm ốm, chạy dịch vẫn bán với giá “thịt sạch”. Cụ thể, gà thải loại nhập tại các chợ vùng biên giá khoảng 10.000 đồng/kg, khi về tới các chợ tại Hà Nội giá thường bán ở mức 60.000 đến 70.000 đồng/kg. Tư thương trục lợi đã đành, nhân viên kiểm dịch cũng có khoản thu nhập không nhỏ từ khoản lót tay của những chủ gà lậu. Kết cục, không chỉ người tiêu dùng lãnh hậu quả, mà Nhà nước cũng phải mất một khoản kinh phí đáng kể cho công tác phòng dịch và khắc phục những hệ lụy từ dịch cúm gia cầm. Nhưng mất mát lớn hơn cả là sự mất lòng tin của người dân vào những cán bộ, công chức thực thi pháp luật ở các địa bàn cửa khẩu, ở những địa phương để các chợ gia cầm lậu ngang nhiên tồn tại.
Rõ ràng, cái lợi thiển cận đã làm cho không ít cán bộ, công chức của chính quyền địa phương không thấy, hay nói đúng hơn là lờ đi cái hại lâu dài, cái hại với cả cộng đồng.