Chưa bao giờ vỉa hè lại trở thành câu chuyện nóng như thời gian gần đây, mặc dù việc dọn dẹp vỉa hè, tạo đường thông, hè thoáng là một chủ trương xuyên suốt và có lịch sử của nó. Chủ trương đúng hẳn nhiên người dân sẽ đồng tình và tạo được hiệu ứng tốt, nhưng cách làm sai sẽ phá đi tính tốt đẹp, đúng đắn của chủ trương ấy.
Nhìn ánh mắt đằng đằng sát khí, những cái chỉ tay của những người thực thi công vụ càng cho thấy một thái độ thiếu văn minh, thiếu tôn trọng người dân và những người xung quanh. Có lẽ những người đang thực thi công vụ dọn dẹp vỉa hè quên rằng, lấn chiếm vỉa hè chỉ là vi phạm hành chính và việc xử lý cần tuân thủ quy trình xử lý vi phạm hành chính chứ không cần thể hiện thái độ như đối với tội phạm, vì họ không phải là tội phạm.
Việc mới đây quận 1 cho đập bậc tam cấp của rạp Công Nhân – một rạp hát có tuổi đời gần trăm năm đã làm dư luận băn khoăn, liệu việc dọn dẹp vỉa hè theo cách máy móc như vậy có còn là một chủ trương đúng đắn?
Rạp Nguyễn Văn Hảo được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Ảnh tư liệu. |
Rạp Công Nhân, trước đây là rạp Nguyễn Văn Hảo, được xây dựng từ những năm 40 của thế kỉ trước, từng được xem là “thánh đường” cải lương với sự chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử. Mỗi hàng ghế, mỗi bậc thềm đá đều là dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nghệ thuật cải lương cũng như người dân thành phố.
Nếu căn cứ vào hình ảnh trước đây và hiện trạng có thể nhận ra bậc tam cấp trước đây là 3 bậc, sau đó được cải tạo thành 5 bậc, tuy nhiên những bậc tam cấp này vẫn chưa nhô ra khỏi ban công cũ của nhà hát, nghĩa là vẫn nằm trong phần diện tích xây dựng của nhà hát này.
Bức ảnh cho thấy những bậc tam cấp này vẫn chưa nhô ra khỏi ban công cũ của nhà hát. Ảnh: CTV. |
Phần sửa chữa cải tạo này cũng đã thực hiện rất lâu, vì theo những người dân sống ở khu vực này, từ sau ngày giải phóng đến nay, gần như rạp không được tu sửa, cải tạo gì.
Vỉa hè con đường này trước đây rộng thênh thang nên càng không có chuyện nhà hát lấn vỉa hè. Sau nhiều lần mở rộng đường, phần vỉa hè ngày càng thu hẹp, nghĩa là đường đang lấn vỉa vè chứ không phải rạp lấn vỉa hè.
Chưa kể, theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành ngày 29 tháng 08 năm 2014, thì tại Chương I điều 4 của quy chế nêu rõ: "Những công trình hiện hữu đã được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật trước khi ban hành Quy chế này được phép tồn tại. Khi tiến hành xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa có thay đổi về kiến trúc mặt ngoài công trình, quy mô diện tích thì phải tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch xây dựng và Quy chế này".
Có nghĩa là, việc cải tạo các bậc tam cấp của nhà hát này đương nhiên được phép tồn tại. Dù vậy, với cách suy nghĩ máy móc, xử lý không tuân thủ quy trình xử lý vi phạm hành chính cũng như chủ trương chung của Thành phố, chính quyền quận 1 đã cho phá bỏ những bậc tam cấp của rạp hát này, tạo cảnh tượng vỉa hè nham nhở, lộn xộn. Hoạt động của rạp hát cũng bị ảnh hưởng, đình trệ bởi cách hành xử tùy tiện này.
Trong khi nhiều địa phương phải đầu tư nhiều tiền của để trồng cây xanh trên vỉa hè đường, tạo cảnh quan, môi trường cho đường phố thì cũng với chủ trương “đường thông hè thoáng”, cán bộ xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã triệt hạ những hàng cây mấy chục năm tuổi, mới đây xã Lại Thương, huyện Thạch Thất lại tiếp tục chặt hạ nhiều cây xanh trên vỉa hè.
Những cách làm này nhìn ở góc độ nào cũng không thể xem là đúng được. Càng không thể sửa sai bằng cách bốt gác, bậc thềm lỡ đập sai thì cho tái lập, cây xanh lỡ chặt thì cho trồng lại… mà người thực hiện sai vẫn không phải chịu trách nhiệm gì. Vì rằng tất cả những thứ “lỡ” bị phá đi đều là tài sản của dân và người dân là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên. Họ cần phải được đối xử công bằng, đúng pháp luật chứ không phải bằng cách làm tùy tiện của những người thực thi công vụ.