Đừng đùa với... mạng

Do phát triển quá nóng và do nhiều người sử dụng chưa kịp trang bị cho mình những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để thích ứng với “xã hội ảo”, nên thời gian vừa qua đã xảy ra không ít những vụ việc quá đà, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Mới đây, các báo đồng loạt đưa tin, trong bảng xếp hạng quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất trên thế giới tính tới tháng 7/2017, Việt Nam từ vị trí thứ 9 (tháng 1/2017) đã lên vị trí thứ 7 với 64 triệu người dùng mỗi tháng.

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2004, Facebook đã phát triển nhanh chóng và đến nay đã vượt ngưỡng 2 tỷ người dùng. Không ai có thể phủ nhận lợi ích mà Facebook nói riêng và mạng xã hội (social network) nói chung mang lại. Nhưng đồng thời, càng ngày người ta cũng càng nhận ra những mặt trái của nó. Vì vậy, con số 64 triệu người dùng và vị trí thứ 7 về số người sử dụng Facebook vừa nói lên lợi thế của Việt Nam trong việc ứng dụng mạng xã hội vào các mục đích kinh tế xã hội…, nhưng đồng thời cũng cảnh báo những hậu quả mà nó mang lại nếu buông lỏng nó, đứng ở cả phương diện người sử dụng và cơ quan quản lý.

Không khó khăn để nhận ra rất nhiều lợi ích to lớn mà mạng xã hội mang lại như cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế; kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng; giải trí, cải thiện kỹ năng sống; kinh doanh, quảng cáo. Thậm chí gần đây các cơ quan báo chí cũng sử dụng mạng xã hội để tăng tính lan tỏa, còn các cơ quan công quyền thì sử dụng mạng xã hội chủ yếu để cập nhật tin tức, phổ biến quy định mới của mình hoặc thăm dò dư luận…

Nhưng, do phát triển quá nóng và do nhiều người sử dụng chưa kịp trang bị cho mình những hiểu biết và kỹ năng cần thiết để thích ứng với “xã hội ảo”, nên thời gian vừa qua đã xảy ra không ít những vụ việc quá đà, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Dư luận vẫn đang nóng với những vụ việc như: Dàn dựng rồi tung lên mạng clip “pha trà đá bằng nước rửa chân” ở Cầu Giấy, Hà Nội;  tung tin bịa đặt “Lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì - Phú Thọ do nợ tiền mua điện thoại”, hay việc 2 nữ sinh ở Bình Thuận suýt tự tử vì tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội… gây bức xúc trong dư luận. Mọi người cũng chưa quên những vụ việc như tung tin đồn thất thiệt vỡ đập Tả Trạch ở Thừa Thiên – Huế (năm 2015) khiến hàng trăm hộ dân hoảng loạn di dời trong đêm, hay tung tin “dịch Ebola xuất hiện tại Hà Nội” (năm 2014) gây hoang mang trong xã hội. Thậm chí còn dàn dựng clip “ném bom khủng bố ở Hà Nội” rồi tung lên mạng (năm 2016) gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… Còn những vụ tung tin thất thiệt về bắt cóc trẻ em, cướp của giết người hay bịa đặt, thổi phồng sự việc nhằm triệt hạ đối thủ trong kinh doanh hoặc xúc phạm đồng nghiệp… thì thường xuyên xảy ra.

Thế là, mạng ảo nhưng hậu quả thì có thật. Nhẹ thì ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hay thiệt hại về kinh tế của cá nhân; nặng thì gây hoang mang trong xã hội hoặc thiệt hại cho cả một địa phương, cộng đồng, lĩnh vực, ngành nghề; thậm chí có thể còn gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh xã hội hoặc dẫn đến những cái chết thương tâm do áp lực quá lớn từ dư luận.

Thực ra, mạng xã hội không có tội mà lỗi là ở chính người sử dụng.

Theo kết quả xác minh của các cơ quan chức năng thì những kẻ tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội phần lớn nhằm mục đích kinh tế như triệt hạ đối thủ, quảng cáo bán hàng, thậm chí là lừa đảo thu lời bất chính hay thực hiện mục đích cá nhân nhằm bôi nhọ, nói xấu, trả thù, hạ uy tín người khác. Cũng có không ít người, phần lớn là giới trẻ, tung thông tin bịa đặt mang tính giật gân với mục đích được nổi tiếng và để cho nhiều người biết đến facebook cá nhân của mình… Nhưng cho dù là với mục đích gì thì đó đều là động cơ không trong sáng. Điều đáng nói là không ít người nghĩ rằng, trang cá nhân là của riêng mình nên muốn làm gì thì làm và có làm việc xấu nhưng với “nick name” đã thay tên đổi họ thì sẽ không ai phát hiện ra.

Đó là sai lầm chết người, bởi dù là ảo nhưng mạng xã hội lại tồn tại với những nội dung và tác động hoàn toàn thực. Và, cho dù chỉ đăng ký trên mạng với cái tên cầu bất cầu bơ đi nữa thì cơ quan chức năng, lực lượng an ninh mạng cũng không khó để truy tìm kẻ tung tin thất thiệt. Thế là, chơi dao lại đứt tay, có khi chỉ xuất phát từ trò đùa nhưng lại mang đến tại họa thật cho người tung tin thất thiệt. Thực tế đã có không ít người bị công an, chính quyền triệu tập, xử lý với những mức độ khác nhau.

Phải khẳng định một điều, công nghệ thông tin nói chung và mạng xã hội nói riêng là một thành quả của xã hội văn minh và là xu thế của thế giới. Cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, do đây là nguồn thông tin mở, lại phát triển với tốc độ quá nhanh so với trình độ dân trí và công tác quản lý nên đã có sự lệch lạc, chệch hướng trong sử dụng cũng như sự bất cập trong kiểm soát.


Do đó, để phát huy mặt tích cực của mạng xã hội, điều tất yếu đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng phải nâng mình lên cho kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, nắm bắt được xu thế phát triển, kịp thời có biện pháp kiểm soát, quản lý để mạng xã hội được sử dụng vào những mục đích lành mạnh, mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và cộng đồng.

Đối với cá nhân, nhất là giới trẻ cũng cần trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng sống cần thiết để sử dụng mạng xã hội một cách khôn ngoan và lành mạnh, đúng pháp luật. Một mặt tuyệt đối không sử dụng mạng xã hội vào những mục đích xấu, mặt khác cũng cần học cách “sống chung với mạng” để hạn chế sự lệ thuộc và những tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Đặc biệt, cần ý thức được trách nhiệm của mình khi đưa tin dù là lên trang cá nhân; đồng thời cũng cần tỉnh táo trước khi “like” hay bình luận trên mạng để không vô tình tiếp tay cho kẻ xấu. Nếu không, hậu quả sẽ khôn lường; trước hết là hậu quả cho xã hội và sau đó là hậu quả cho chính mình.

Đừng đùa với mạng.

Xã hội càng hiện đại thì con người càng phải sống văn minh và ứng xử có văn hóa.

Bùi Văn Doanh (TTXVN)
 Cách tính thuế và kê khai thuế thế nào khi kinh doanh trên mạng xã hội?
Cách tính thuế và kê khai thuế thế nào khi kinh doanh trên mạng xã hội?

TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện thu thuế đối với những cá nhân, doanh nghiệp có doanh thu bán hàng từ mạng xã hội (Facebook, Zalo...) trên 100 triệu đồng/năm. Để người dân và doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã gửi thông báo về cách khai và tính thuế cho người dân và doanh nghiệp nắm rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN