Thương mại hoá báo chí, vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tăng

Đó là hai trăn trở lớn nhất của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông(TTTT), khi đề cập tới những khó khăn, tồn tại của hoạt động TTTT 6 tháng đầu năm; tại ”Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2017”; diễn ra sáng 14/7.

Quang cảnh hội nghị.

"Nguy cơ” ngày càng nhiều


Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của ngành TTTT, tình trạng báo chí bị thương mại hóa với việc đăng tải thông tin, hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục là vấn đề nổi cộm thời gian qua., Một số cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo gây tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí.


Nguyên nhân là do quá chú trọng cạnh tranh về tốc độ đưa tin và chạy theo lợi nhuận; dẫn đến việc các cơ quan thông tấn, báo chí, trang thông tin điện tử ít coi trọng quy trình duyệt nội dung hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc, cá biệt có trường hợp không qua thẩm định, xác minh; dẫn đến một số cơ quan báo chí đưa thông tin sai, thậm chí vi phạm pháp luật. Mới đây nhất, Cục Báo chí của Bộ TTTT đã ra quyết định xử phạt 3 báo Thanh niên, Người lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh vì đã đăng thông tin không đúng sự thật; với tổng số tiền phạt là 105 triệu đồng. Lãnh đạo Bộ TTTT cũng đã ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của một số nhà báo vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Báo chí.


Bên cạnh đó, việc vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Đã xuất hiện hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo của các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam phát trên kênh YouTube, Facebook; dẫn tới việc lãnh đạo Bộ TTTT phải có buổi làm việc với Facebook và Google nhằm thiết lập cơ chế trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google như: blogspot hay các trang web sử dụng hạ tầng của Google.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn làm việc với đại diện Facebook về việc phối hợp gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân.... Ảnh: Xuân Cường.

Sau buổi làm việc, lãnh đạo Facebook đã cam kết phối hợp với Bộ TTTT ưu tiên gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đồng thời sẽ thiết lập một kênh riêng phối hợp trực tiếp với Bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Google sẽ thiết lập cơ chế giữa Bộ và Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam….


Cũng phải để cập tới việc các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; nhiều đơn vị vi phạm thiết lập mạng xã hội có hệ thống ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế để cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, gây trở ngại, phức tạp cho việc xử lý trong bối cảnh lực lượng quản lý nhà nước cùng trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật ngăn chặn còn hạn chế. Việc ngăn chặn chỉ có tác dụng ở thời điểm nhất định do các trang này thay đổi địa chỉ IP liên tục, khiến việc chặn kỹ thuật phải luôn luôn theo dõi, thay đổi. Đồng thời, việc triển khai biện pháp kỹ thuật chặn lọc sẽ làm hạn chế tốc độ đường truyền.Một số trang thông tin điện tử có bài viết, clip mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.


Đặc biệt, tình trạng SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không đúng (SIM rác, SIM ảo) vẫn còn tồn tại; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước còn chưa mang tính răn đe, trong khi một số quy định hiện hành chưa phù hợp. Nhiều người dùng phản ánh nhận được nhiều cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, gây phiền phức. Thời gian qua, Bộ TTTT đã phải vào cuộc mạnh mẽ, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường công tác quản lý thông tin thuê bao và mua bán SIM, việc tuân thủ quy định về khuyến mại; không kích hoạt lại hơn 21,4 triệu SIM đã thu hồi. Đặc biệt, trong tháng 5, Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động ký cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác. Triển khai thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.


Cùng với đó, các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố làm ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền Internet. Dù đã được cảnh báo về tình trạng lừa cước điện thoại quốc tế, nhiều người dùng điện thoại di động vẫn bị mất tiền oan khi gọi lại các cuộc gọi quốc tế từ Somali, Liberia bị nhỡ...


Một nội dung nữa cũng là vấn đề rất nóng của hoạt động công nghệ thông tin 6 tháng đầu năm, đó là việc Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới. Các đơn vị chức năng đã ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công vào các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương, nhưng một số trang thông tin của các cảng hàng không vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát. Số lượng người dùng Windows XP tại Việt Nam là khá lớn, nhưng vì không còn dịch vụ hỗ trợ bảo mật từ nhà cung cấp là Microsoft nên các lỗi an ninh vĩnh viễn không được vá khiến các máy tính cài Windows XP trở thành vật trung gian gây lây nhiễm phần mềm độc hại cho các máy tính và các mạng khác.


"Nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; dẫn đến việc hết sức lúng túng, bị động trong việc khắc phục, đưa hệ thống trở lại hoạt động bình thường; chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định hoặc theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Việt Nam là một trong các quốc gia đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện. Trong tháng 5 đã diễn ra cuộc tấn công mạng mã hóa dữ liệu của người dùng và tống tiền với quy mô toàn cầu, trong đó một số doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam cũng đã bị lây nhiễm mã độc”, lãnh đạo Bộ TTTT nhấn mạnh.


Hiệu quả cao trong các mặt hoạt động


Đánh giá của lãnh đạo Bộ TTTT, 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã đạt được những hiệu quả cao trong các mặt hoạt động.


Công tác quản lý nhà nước tiếp tục được duy trì tốt trên tất cả các lĩnh vực. Bộ tích cực triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời; thông tin, liên lạc thông suốt; đảm bảo an toàn thông tin cho các hoạt động của năm APEC 2017; đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.


Các cơ quan báo chí, xuất bản đã thông tin, tuyên truyền tốt, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời các sự kiện quan trọng của đất nước; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 của cả nước; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; công tác đối ngoại. Bộ cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý những thông tin sai sự thật, kích động chống phá, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, nhân dân. Tập trung triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý Báo chí toàn quốc đến năm 2025; cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí.


Bộ cũng đã báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ phạm vi, trách nhiệm quản lý của Bộ TTTT trong quản lý thông tin trên mạng Internet. Làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Facebook, Google... để yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện đúng quy định,... Phối hợp với các Bộ ngành liên quan để tiến hành xử phạt đối với các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên các clip, trang web sai phạm.


Công tác quản lý nhà nước về viễn thông tập trung vào việc phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững; triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông 4G, thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, tăng cường quản lý tài nguyên viễn thông, giá cước, khuyến mại, chất lượng. Thực hiện việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại tất cả các tỉnh, thành phố.


Trong lĩnh vực viễn thông công ích, Bộ tiếp tục triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020; hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các hộ nghèo cận nghèo theo quy định tại các địa phương triển khai giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão đảm bảo thông suốt, kịp thời. Bên cạnh đó, Cổng thông tin nhân đạo 1400 tiếp tục được duy trì hiệu quả.Tuyến cáp quang biển APG do các doanh nghiệp viễn thông tham gia đầu tư chính thức đi vào hoạt động sau 4 năm thi công.


6 tháng đầu năm, Bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo hoạt động và kiện toàn mô hình tổ chức của các doanh nghiệp trực thuộc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hợp tác với các đơn vị ngoài Ngành. Tập trung triển khai việc xác định giá trị, triển khai cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone và thoái vốn đầu tư của các doanh nghiệp trực thuộc tại các doanh nghiệp ngoài Ngành; tiếp tục thực hiện bàn giao tài sản, tài chính giữa Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và Tổng công ty VTC.


Từ thực hiện những hiệu quả và hạn chế của hoạt động TTTT 6 tháng đầu năm, Bộ TTTT đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung chấn chỉnh hoạt động báo chí. Cụ thể, sẽ xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Báo chí, việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;cơ chế quản lý vấn đề bản quyền các chương trình truyền hình...


Tập trung triển khai Luật Báo chí, Chỉ thị về công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí; Nghị định quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục thực hiện cấp, đổi Thẻ Nhà báo giai đoạn 2016-2020.


Rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, thông tin điện tử. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ...


PT/ Báo Tin Tức
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cách xử lý mã độc Petya
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cách xử lý mã độc Petya

Liên quan đến vụ mã độc Petya, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT vừa chính thức có công văn cảnh báo và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ máy tính nhiễm mã độc Petya, một biến thể mới của mã độc tống tiền Ransomware.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN