Xử phạt báo chí "nóng" hội nghị Bộ Thông tin và truyền thông

Những bài "sốc, sến, hở, cướp, giết, hiếp, bỏng mắt, đắng lòng, sáng đăng trưa đọc chiều gỡ" còn rất nhiều trong báo chí; gây hiệu ứng rất xấu trong xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017” của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) diễn ra sáng 23/12/2016, với sự góp mặt của đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; các sở TTTT địa phương.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.


Sau xử lý, chất lượng báo chí chuyển biến tốt


Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những thành công của ngành TTTT trong năm qua. Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2016, ngành TTTT đã tiếp tục giữ được tốc độ phát triển cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường, có tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn, tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước.


Ngành TTTT tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trong lĩnh vực được giao; hoạt động báo chí, xuất bản theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, công tác theo dõi, chỉ đạo thông tin tuyên truyền kịp thời, đạt hiệu quả cao. Các cơ quan báo chí đã đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ, kịp thời những ngày lễ lớn của đất nước, tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, các sự kiện chính trị lớn của thế giới và trong nước, làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước; vừa là diễn đàn của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bưu chính tiếp tục có những bước chuyển biến, đổi mới hoạt động; mở rộng các loại hình dịch vụ và phương tiện, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của Chính phủ điện tử và thương mại điện tử. Thị trường viễn thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn được Bộ TTTT quản lý chặt chẽ, phát triển bền vững; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ công tác phòng chống lụt bão đảm bảo thông suốt, kịp thời. 


Tình trạng sim rác, tin nhắn rác đã được Bộ vào cuộc quyết liệt để giải quyết và mang lại những kết quả rất rõ nét; công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục được chú trọng trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong xã hội. Công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng được tăng cường, với việc thường xuyên hỗ trợ phân tích các điểm yếu an toàn thông tin và ứng cứu kịp thời các sự cố cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ và cho các Bộ, ban ngành, địa phương.


Trong những thành công to lớn của ngành TTTT trong năm 2016, theo Phó Thủ tướng có “hai con số” cần ghi nhận. 


"Thứ nhất là tổng doanh thu của ngành đạt mức tăng 9,3%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng chung của cả nước (dự kiến là 6,5%). Thứ 2 không hẳn là con số vui, nhưng đã thể hiện được kỷ cương: Chưa bao giờ, chúng ta chấn chỉnh báo chí mạnh mẽ như năm 2016, nhiều cơ quan, nhiều cá nhân bị xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý không phải để làm gì "đao to búa lớn", mà xử lý để báo chí tiếp tục phát huy mặt mạnh, phát triển tốt hơn. Điều này đã thấy rõ trong thời gian qua: Sau khi xử lý, chất lượng báo chí, ý thức... có bước đổi mới rất tốt. Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo”, điều này có đóng góp lớn của Bộ TTTT”, Phó Thủ tướng khẳng định.


Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành TTTT, Phó Thủ tướng ghi nhận: Lĩnh vực TTTT luôn là lĩnh vực tiên phong, đi đầu.


“Ngành bưu điện trước đây, giờ là ngành thông tin và truyền thông, do bản chất, đặc thù của ngành, do các công nghệ khoa học và kể cả công nghệ quản trị liên quan tới ngành… đã đặt ngành vào thế dường như thời kỳ nào, không cả ngành thì cũng là một vài lĩnh vực trong ngành, phải tự đặt mình vào vai trò đi đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo Phó Thủ tướng, ngành bưu điện từ trước đến nay đã kế thừa truyền thống rất đáng tự hào, đó là kể cả trong những lúc yếu tố đi đầu do công nghệ, do khách quan không được đậm nét lắm; thì phẩm chất người làm bưu điện vẫn là tiên phòng đi đầu.


“Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và bản thân Bộ TTTT đều thống nhất là ngày càng thấy rõ vai trò định hướng của báo chí, đi trước dư luận một bước. Báo chí không chỉ phản ánh rất tốt tình hình, mà đặc biệt có vai trò định hướng trước dư luận. Đương nhiên vai trò này còn nằm cả ở phía các cơ quan nhà nước là các chủ trương chính sách khi chuẩn bị ban hành đã phải có chiến lược chuẩn bị truyền thông để định hướng dư luận; nhưng bản thân báo chí tự nó, tự anh em trong đội ngũ báo chí, cũng luôn ý thức vai trò định hướng. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò định hướng của báo chí càng quan trọng, bởi chúng ta đang trong giai đoạn đổi mới, nghĩa là phải làm những việc mà cái cũ không có, thậm chí là đụng chạm tới lợi ích sát sườn của nhiều người; vì vậy, nếu vai trò định hướng trước về các chủ trương, đường lối không được làm tốt, thì chính sách dù tốt, khi thực hiện vẫn có thể chưa hiệu quả”, Phó Thủ tướng khẳng định.


Với lĩnh vực CNTT, viễn thông; Phó Thủ tướng khẳng định, tính tiên phong gần như thường trực từ trước đến nay. Bên cạnh đó, trong năm 2016, đã có những sự “soán ngôi” rất đáng mừng trong lĩnh vực này. Nếu như thông thường những năm trước đây, doanh thu tăng cao nhất thuộc về lĩnh vực viễn thông, tiếp đến CNTT và cuối cùng là bưu chính; thì năm nay, bưu chính đã đứng vị trí thứ nhất với mức tăng 12%; CNTT là 10% và viễn thông 7,5%. 


Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự đóng góp lớn của ngành bưu chính năm 2016 trong việc tham gia vào tiếp nhận và chi trả hồ sơ hành chính công, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.


Không chỉ có vai trò đi đầu, tiên phong trong những lĩnh vực này, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong, đi đầu của ngành CNTT trong lĩnh vực Chính phủ điện tử. 


“Về Chính phủ điện tử, về CNTT thì càng rõ vai trò tiên phong của ngành. Tôi lấy ví dụ: Muốn cải cách hành chính tốt, mà không có công nghệ thông tin, không làm dịch vụ trực tuyến, không giảm bớt việc tiếp xúc giữa người với người, giữa người cho với người xin, bớt thủ tục hành chính đi; thì chắc chắn không thể làm được. Cho nên vai trò tiên phong của ngành TTTT trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông và đặc biệt là CNTT từ trước đến nay ta đã có truyền thống, thời gian tới đây càng phải nhấn mạnh hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Cũng theo Phó Thủ tướng, nhấn mạnh vai trò tiên phong, đi đầu của ngành TTTT, tuy nhiên, cũng rất cần chú trọng đến sự thực chất. Mọi việc triển khai các chủ trương, chính sách, các kế hoạch… đều phải đi vào thực chất. Đơn cử như vấn đề xây dựng thành phố thông minh, vấn đề được rất nhiều đại biểu tại Hội nghị quan tâm, cũng cần đi vào thực chất, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, thiếu hiệu quả.


Sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa


Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn khi kết luận hội nghị.


Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đã được Bộ TTTT triển khai hiệu quả trong năm 2016.


Cụ thể, trong lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo chí đã hoạt động đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; công tác theo dõi, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền kịp thời, đạt hiệu quả cao.


“Bộ đã tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh và xử lý nghiêm các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, các trang tin điện tử xa rời tôn chỉ, mục đích, đưa tin sai sự thật, vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp thông tin; vi phạm các quy định của pháp luật.


Một số cơ quan báo chí và nhà báo vi phạm nghiêm trọng luật báo chí và đạo đức người làm báo; bị đình bản, thu hồi thẻ nhà báo. Bên cạnh đó, dù xử lý quyết liệt như vậy, nhưng còn không ít sai phạm, hạn chế, yếu kém; không ít cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử và trang tin điện tử, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, không tuân thủ kỷ luật thông tin khi đưa tin và thiếu nhạy cảm, còn chạy theo xu hướng thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc. 


Những bài sốc, sến, hở, cướp, giết, hiếp, bỏng mắt, đắng lòng, sáng đăng trưa đọc chiều gỡ còn rất nhiều trong báo chí; gây hiệu ứng rất xấu trong xã hội. Một số cơ quan báo chí còn dẫn nguồn tin từ những trang tin điện tử và mạng xã hội không được kiểm chứng. Ngoài ra, về số lượng cơ quan báo chí rất nhiều, nhưng chất lượng tin bài ở nhiều tờ báo, tạp chí còn chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu độc giả, gây lãng phí cho nguồn lực xã hội; trong khi cơ sở vật chất ở nhiều đài phát thanh, truyền hình địa phương, đặc biệt là đài khu vực, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, còn rất thiếu thốn”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.


Một thành công nữa trong hoạt động quản lý được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định là việc chỉ đạo quyết liệt của Bộ và sự vào cuộc thực sự của các doanh nghiệp viễn thông, giúp cho những tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn tình trạng sim rác, tin nhắn rác, khuyến mại… đã đạt kết quả nhất định. 


Cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng chục triệu sim thuê bao kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600.000 thuê bao đi đăng ký lại. Đến ngày 22/12, trên 15 triệu thuê bao trong số này đã bị khóa tài khoản.


“Mặc dù công tác quản lý Nhà nước được thắt chặt, nhưng vẫn còn DN viễn thông chưa chấp hành nghiêm về giá trong cạnh tranh, một số DN viễn thông cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động đóng cước, nhưng không thông báo đầy đủ cho người tiêu dùng, chưa làm đúng trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của khách hàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Từ những kết quả đạt được trong năm 2016, đồng thời tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trong năm 2017, ngành TTTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mặt hoạt động; tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực thông tin truyền thông; tạo môi trường thuận lợi nhất cho sự hoạt động của các DN trong ngành; đáp ứng các yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá để tận dụng cơ hội phát triển của cuộc cách mạng lần thứ 4; các chính sách sáng tạo để tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu được thụ hưởng những lợi ích do lĩnh vực thông tin và truyền thông mang đến. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT.


Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục thực hiện tốt Luật Báo chí, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch KT-XH 5 năm tới; công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đạo, công tác đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. 


Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm quy định của Luật báo chí, quản lý chặt chẽ những trang thông tin điện tử, mạng xã hội, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh…


Phạm Tuyết
Thu hồi sim rác từ ngày 1/11
Thu hồi sim rác từ ngày 1/11

Chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng, người dùng có thể mua sim trả trước với tài khoản thường lớn hơn số tiền bỏ ra, do đó rất nhiều người dân đang sử dụng sim rác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN