Đừng để tái diễn “sự đã rồi”

Vụ việc khu nghỉ dưỡng đồ sộ mang tên Le Mont Bavi Resort & Spa ngang nhiên “mọc” lên trái phép ở Vườn Quốc gia Ba Vì (tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) đang được dư luận cả nước chú ý.

Mức độ sai phạm thế nào chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, vụ xây resort trái phép này khiến dư luận thêm một lần thất vọng về sự yếu kém trong công tác quản lý rừng cấm hiện nay.

Khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa gồm resort 4 sao cùng các công trình phụ khác đã được “chạy thử” 8 năm qua bằng hợp đồng được ký kết giữa Vườn quốc gia Ba Vì và Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD). Bằng việc “xén” 53 ha đất rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Ba Vì đã nhận 8 tỉ đồng từ chủ đầu tư và đây chính là lý do để khu Le Mont Bavi Resort & Spa hình thành.

Cách đây chưa lâu, dư luận từng rộ lên vụ các biệt phủ được xây dựng không phép tại rừng cấm Hải Vân và mức độ sai phạm được đánh giá chỉ là chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp thành đất ở một cách trái phép. Còn với vụ xây dựng cả resort 4 sao có tên Le Mont Bavi Resort& Spa do Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) làm chủ đầu tư tọa lạc ở độ cao 600 m giữa Vườn quốc gia Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) thì mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bởi đây là khu vực rừng cấm, có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ thị đình chỉ thi công công trình đồng thời giao cơ quan có trách nhiệm kiểm tra làm rõ… Tuy nhiên, có câu hỏi cần được làm sáng tỏ: Công trình trái phép nêu trên đều được xây dựng với quy mô, diện tích lớn, nói theo cách dân dã là “hoành tráng”, tại sao các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để ngay? Số tiền mà Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì nhận từ CFTD được sử dụng vào việc gì, có đúng mục đích hay không?.

Đã có bài học về việc sự buông lỏng quản lý rừng đặc dụng qua vụ xây nhà và biệt phủ tại rừng cấm Sóc Sơn cách đây chưa lâu. Nay lại thêm vụ xây dựng resort trái phép tại Ba Vì đã cho thấy những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý đất đai cũng như sự thiếu nhất quán trong xử lý sai phạm. Dẫu đã kết luận bước đầu, nhưng vụ việc vi phạm rừng cấm Ba Vì vẫn còn nhiều uẩn khúc, cần được làm rõ. Câu hỏi được đặt ra: Vai trò của cơ quan quản lý rừng đặc dụng, chính quyền địa phương… ở đâu khi sự việc xảy ra nghiêm trọng như vậy mà không có biện pháp xử lý? Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi xảy ra sai phạm xử lý kiên quyết theo pháp luật, thì chắc chắn không xảy ra chuyện xây dựng trái phép những khu biệt phủ này trong một thời gian dài. Bởi khi cơ quan có thẩm quyền đã kiên quyết ra tay, làm đúng pháp luật thì chẳng đơn vị, cá nhân nào có gan làm liều.

Không còn phải bàn cãi, cả Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì và Công ty CFTD phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này. Dư luận đòi hỏi, vụ việc cần được xử lý tới nơi tới chốn, không để tái diễn “sự đã rồi” mà nương nhẹ hoặc cho qua. Tình trạng lấn chiếm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xây dựng các công trình trái phép sẽ không dừng lại, nếu những vụ việc xảy ra ở Hải Vân, Sóc Sơn hay Ba Vì không được xử lý tới cùng.
Yến Nhi
Cầu nối chính quyền với dân
Cầu nối chính quyền với dân

Những ngày gần đây, đường dây nóng bỗng được dư luận đặc biệt quan tâm, khi đường dây nóng của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ sau 2 ngày hoạt động, đã tiếp nhận trên dưới 2.000 cuộc gọi và tin nhắn gửi đến người lãnh đạo cao nhất thành phố, phản ánh, đề cập nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN