Tái diễn chuyện đau lòng ngày Tết

Dù không muốn nhắc lại, bởi chuyện đánh nhau trong dịp Tết đã được cảnh báo và để lại nhiều bài học đau lòng từ Tết năm ngoái, nhưng tới Tết này, nó tiếp tục tái diễn và để lại hậu quả hết sức đau lòng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội trong những ngày Tết, đồng thời báo động về lối ứng xử bạo lực đang có chiều hướng gia tăng.

Còn nhớ, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ dịp này năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh cần phải có giải pháp tổng hợp về vấn đề này và lưu ý các lãnh đạo địa phương có tình trạng đánh nhau trong những ngày Tết không được xem thường hiện tượng trên. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua, tình trạng này không mấy biến chuyển, mà ngược lại, mức độ còn nghiêm trọng hơn và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết, cả nước có tới 5.121 trường hợp phải nhập viện cấp cứu do đánh nhau, trong đó 13 ca tử vong do vết thương quá nặng. Tính trung bình, mỗi ngày nghỉ Tết, cả nước ghi nhận khoảng 600 lượt khám, cấp cứu vì lý do này. Các tỉnh, thành có số lượt khám, cấp cứu do đánh nhau nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (317 trường hợp), An Giang (230 trường hợp), Kiên Giang (224 trường hợp), Hà Nội (197 trường hợp)... Nguyên nhân dẫn tới các vụ đánh nhau là do va chạm giao thông, dự lễ hội, sử dụng rượu bia quá đà, mâu thuẫn từ những cuộc sát phạt đỏ đen...; một số trường hợp người đứng ra can ngăn, lại phải gánh hậu họa...

Thật buồn, đáng lẽ trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mọi người sẽ dành cho nhau những cử chỉ, lời nói thân thiện, bao dung, hòa hiếu... , lại biến thành hành động hung bạo, đoạt mạng sống của nhau. Có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng nguyên nhân được nhiều người nhìn nhận, là do tác động của rượu, bia dẫn tới con người không thể kiểm soát được hành vi của mình. Xét cho cùng, uống rượu bia là quyền của mỗi người và sử dụng rượu bia vào dịp Tết đến xuân về lại càng không thể ngăn cấm. Nhưng quy kết cho rượu bia là một trong những tác nhân dẫn tới tình trạng bạo lực leo thang trong những ngày Tết vừa qua thì cũng chẳng có gì oan uổng.

Nhưng từ nguyên nhân gì đi chăng nữa thì hậu quả đau lòng vẫn là sự thật khó chấp nhận. Dịp Tết, nhiều người do sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, dẫn đến mất kiểm soát hành vi, đôi khi chỉ một cái nhìn, một lời nói không vừa lòng nhau là lao vào nhau để ăn thua, đặc biệt là những người trẻ. Đáng tiếc, không ít vụ ẩu đả gây thương tích xảy ra cả với những người trong cùng dòng tộc, người thân trong gia đình, hàng xóm. Ngay cả những hoạt động có ý nghĩa văn hóa, mang vẻ đẹp của mùa xuân, cũng bị biến tướng và trở thành những cuộc ẩu đả không thương tiếc (cướp phết, cướp lộc tại một số hội xuân).

Rõ ràng, đằng sau những vụ bạo lực, đã cảnh báo về lối sống bạo lực trong xã hội hiện tại, đặc biệt là ở một bộ phận giới trẻ. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo để có giải pháp chấn chỉnh. Không còn nghi ngờ gì, 5.000 trường hợp phải nhập viện do đánh nhau dịp Tết Bính Thân quả là nỗi đau day dứt. Điều đáng nói, nếu mỗi người dân không nêu cao ý thức chấp hành luật pháp; các cấp chính quyền, cơ quan công quyền không suy nghĩ và hành động một cách nghiêm túc, thì không có gì bảo đảm những vụ việc đau lòng tương tự chắc chắn sẽ được ngăn chặn vào dịp Tết năm sau.
Yến Nhi
Hạn chế bạo lực trong tục cướp giò hoa tre tại hội Gióng năm nay
Hạn chế bạo lực trong tục cướp giò hoa tre tại hội Gióng năm nay

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) năm nay sẽ hạn chế tối đa tình trạng bạo lực trong tục cướp giò hoa tre.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN