Điều đọng lại sau World Cup

Dù cả tháng mất ngủ, nhưng người hâm mộ trái bóng tròn trên khắp hành tinh vẫn cảm thấy vui và thật sự hài lòng khi được chứng kiến những đội bóng giỏi, những siêu sao thể hiện tại World Cup 2014 nhưng cũng không khỏi chạnh lòng khi liên tưởng đến nền bóng đá nước nhà. Quả là một khoảng cách quá xa và nguy cơ sẽ còn xa nữa khi bóng đá Việt Nam vẫn trong cái vòng luẩn quẩn, phát triển theo kiểu ăn sổi, chắp vá.

 

Bài học World Cup 2014 đối với Việt Nam, trước tiên là từ phía các nhà quản lý bóng đá, cầu thủ và cổ động viên. Cả về chuyên môn, thái độ ứng xử trên khán đài và dưới sân cỏ; cả về hoạch định đường lối phát triển nền bóng đá và cung cách xây dựng, quản lý, tổ chức thi đấu cho đội tuyển. Sau vài chục năm loay hoay tìm mô hình phát triển, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có định hướng phát triển phù hợp (thể hiện rõ nhất qua việc thuê HLV cho đội tuyển quốc gia). Hay nói cách khác, bóng đá Việt Nam vẫn chưa xây dựng được mục tiêu dài hạn và kiên định với mục tiêu đó. Vẫn chỉ là giải pháp thiếu căn cơ và sự thay đổi xoành xoạch sau mỗi thất bại. Mang danh một giải đấu chuyên nghiệp, nhưng thực chất V.League (giải đấu lớn nhất Việt Nam) hoàn toàn nghiệp dư. Chỉ có cầu thủ là hưởng lương ngất ngưởng so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội.


Chợt nhớ lại sự kiện bóng đá Việt Nam trước cơ hội góp mặt tại vòng chung kết World Cup, không phải với bóng đá nam, mà là bóng đá nữ. Khi CHDCND Triều Tiên bị FIFA truất quyền tham dự giải vì dính doping, nhiều chuyên gia bóng đá nhận định, đây là cơ hội không thể tốt hơn cho đội tuyển nữ Việt Nam giành suất thứ 5 của khu vực châu Á dự vòng chung kết World Cup 2015 (tại Canada). Trong suy nghĩ của nhiều người, trận play - off với đối thủ Thái Lan, các cô gái của chúng ta có lợi thế lớn, cả về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi được thi đấu ngay trên sân nhà. Nhưng chẳng ai học được chữ ngờ, các cô gái Việt Nam đã không thể vượt qua được áp lực do chính chúng ta tạo ra, thi đấu bằng đôi chân nặng trĩu và đành ngậm ngùi nhìn chiếc vé vớt rơi vào tay đối thủ.


Câu chuyện World Cup đối với bóng đá Việt Nam vẫn chưa dừng lại. Đội tuyển U.19 Việt Nam cũng đặt mục tiêu đứng trong top 4 giải vô địch U.19 châu Á diễn ra vào cuối năm nay tại Myanmar, để giành vé dự vòng chung kết World Cup U.20 thế giới vào năm sau. Có lẽ bài học World Cup với bóng đá nữ sẽ sớm được các nhà làm bóng đá Việt Nam mổ xẻ để U.19 không phải rơi vào vết xe đổ. Những chấn động mà U.19 Việt Nam (với nòng cốt là các cầu thủ trẻ của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG) tạo ra trong một số giải đấu mới đây,... thì chưa thể lấy đó làm cơ sở để bóng đá Việt Nam có mặt tại một vòng chung kết World Cup. Các nhà làm bóng đá phải thấy rõ trách nhiệm để các “cậu bé” U.19 có thể vào cuộc một cách nhẹ nhàng, thanh thản, thay vì đặt lên vai các em quá nhiều tham vọng, quá nhiều áp lực, vượt quá sức chịu đựng của các em.


Dĩ nhiên trong bóng đá thì mọi chuyện đều có thể xảy ra (U.23 Việt Nam từng thắng cả đội tuyển Hàn Quốc kia mà). Điều đó cho thấy rằng, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai không xa, bóng đá Việt Nam sẽ góp mặt ở một kỳ World Cup. Nhưng phải dũng cảm nhìn nhận, ở tất cả các cấp độ, từ bóng đá nữ đến bóng đá nam, từ các đội tuyển trẻ đến đội tuyển quốc gia, thực lực bóng đá Việt Nam mới ở tầm khu vực, nên việc đặt vấn đề bóng đá Việt Nam dự World Cup quả còn quá xa vời, nếu chưa muốn nói là viển vông.


Không phải là cách nhìn tiêu cực, mà thực tế đòi hỏi bóng đá Việt Nam cần phải tính những việc thiết thực hơn. Đừng tham vọng “đi tắt đón đầu”, “đốt cháy giai đoạn để bằng chị bằng em; mà phải xây dựng từ móng (chú trọng vào bóng đá học đường), bằng cách tiếp thu những tinh hoa của bóng đá thế giới, có tầm nhìn sáng suốt, rút ra những bài học cần thiết từ thất bại của các đội bóng từng được coi là “anh cả đỏ”..., thì mới hy vọng gặt hái được thành công.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN