Đánh 'giặc thủy'

Tàn dư của trận mưa lũ khủng khiếp xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn chưa kịp lắng, thì lại xảy ra trận mưa lũ lịch sử ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khiến 3.629 hộ dân bị ngập nước, 5.167 người phải đi sơ tán, thiệt hại chưa thể thống kê. Các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và người dân vùng lũ vẫn tiếp tục gồng mình đối phó, khắc phục hậu quả.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, mưa lớn vẫn đang diễn biến phức tạp và hậu quả cũng thật khó lường. Nếu mưa lớn kéo dài và đê Tả Bùi gặp sự cố, khu vực trung tâm của huyện Chương Mỹ cũng như toàn bộ quận Hà Đông và một phần huyện Thanh Oai sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp đến nội đô của Thủ đô.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, sự chủ động ứng phó cùng sự nỗ lực từng ngày, từng giờ của các cấp chính quyền thủ đô Hà Nội đã làm giảm đáng kể thiệt hại và người dân vùng lũ huyện Chương Mỹ đang từng bước vượt qua khó khăn để ổn định đời sống.

Diễn biến bất thường của thời tiết và những thảm họa từ thiên tai đang là sự cảnh báo đối với con người và “giặc thủy” đang thực sự là nguy cơ nếu con người không có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy, trung bình hàng năm Việt Nam có 469.526 ngôi nhà bị phá huỷ do mưa lũ, mức thiệt hại do thiên tai ước tính hàng năm chiếm khoảng 1,5% GDP. Trong tương lai, Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do hậu quả từ biến đổi khí hậu và tổn thất do thiên tai gây ra có thể lên đến từ 3% đến 5% GDP vào năm 2030.

Có lẽ, sự cảnh báo đó là không thừa nếu như trong tiềm thức nhiều người vẫn tồn tại suy nghĩ “nắng mưa là chuyện của trời", nếu đâu đó, người dân cũng như các cấp chính quyền, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt, chủ động trong phòng chống, ngăn ngừa thảm họa thiên tai, chờ “nước tới chân mới nhảy”. Đồng tình với quan điểm, ứng phó với thảm họa thiên tai là dài hạn, đòi hỏi phải có nguồn lực và có sự liên kết, sự đồng thuận từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, kế hoạch ứng phó dù có đồ sộ, quy mô đến đâu, khi thái độ ứng xử tiêu cực của con người đối với thiên nhiên và môi trường không thay đổi…, thì khó mang lại kết quả.

Phải ý thức rằng, thiên tai không trừ một ai và hậu quả sẽ thật khủng khiếp nếu công tác phòng chống thiên tai bị lơ là, không có sự đồng thuận và chung tay góp sức của tất cả mọi người. Cũng cần phải thấm thía lời ông cha ta đã dạy từ ngàn xưa: “Lũ lụt thì lút cả làng/Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo”.

Trong suy nghĩ của nhiều người, trận mưa lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua tại các tỉnh miền Trung cũng như các trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, tình trạng lũ lụt, nước biển xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long... là bất khả kháng, là tai họa từ trên trời rơi xuống. Nhưng với các nhà khoa học, đây không phải là một tai họa bất ngờ, mà nó đã được cảnh báo trước, khi con người có những tác động tiêu cực vào sự biến đổi của khí hậu và chính con người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan.

Phải khẳng định rằng, thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng mức độ thiệt hại sẽ giảm, nếu rừng không bị tàn phá. Tình trạng hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian gần đây cho thấy, thiên tai luôn rình rập và sẽ trở thành thảm họa nếu con người đối xử thô bạo với rừng. Nếu rừng đầu nguồn (khu vực miền núi) và rừng phòng hộ (khu vực ven biển) tiếp tục bị chặt hạ, thì những lo ngại về những túi nước khổng lồ đổ xuống đầu người dân và nước biển xâm thực là hoàn toàn có thể hiểu được.

Không phải ngẫu nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia dành những khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại khá lớn giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, bằng nội lực, Chính phủ Việt Nam hàng năm cũng dành nguồn ngân sách đáng kể để triển khai các chương trình trồng, bảo vệ rừng, các dự án phát triển sạch, chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện với khí hậu, giảm thải khí CO2, ngăn nước biển dâng...

Nhưng những nỗ lực đó chưa đủ, nếu như chưa tạo được sự đồng lòng của cả cộng đồng trong việc ngăn chặn thảm họa thiên tai. Những thiệt hại to lớn về người và tài sản do mưa lũ ở miền Trung và một số tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày qua, để lại bài học thật sâu sắc: Khi thiên nhiên đã nổi giận, thì khó mà cản nổi.

Yến Nhi
Đảo lộn cuộc sống người dân nơi rốn lũ Chương Mỹ
Đảo lộn cuộc sống người dân nơi rốn lũ Chương Mỹ

Đã 15 ngày, khu vực xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn ngập trong nước. Đến sáng ngày 5/8, do mực nước đang rút chậm nên hàng trăm nhà vùng rốn lũ Chương Mỹ vẫn bị ngập trong nước. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN