Chuyên nghiệp hoá hoạt động từ thiện

Để những đồng tiền từ thiện đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả cao nhất, công tác thiện nguyện không chỉ là phân phát.

Trong những ngày thiên tai hoành hành tại các tỉnh miền Trung vừa qua, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta lại phát huy cao độ, thể hiện qua triệu triệu tấm lòng hảo tâm, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” với đồng bào. Người dân ủng hộ qua nhiều kênh: Từ chính quyền, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp…, tới các hội nhóm và các cá nhân. Những bếp nấu bánh chưng tại nhiều vùng miền đỏ lửa. Những chuyến xe không nề hà mưa bão, lũ lượt chuyên chở hàng hoá, nhu yếu phẩm vào cứu trợ đồng bào. Có cá nhân, chỉ sau vài ngày kêu gọi đã vận động được tới gần 150 tỷ đồng – một con số vô cùng lớn- ủng hộ đồng bào miền Trung.

Chú thích ảnh
Các tổ chức thiện nguyện khắp cả nước chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân vùng lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Kết quả của những chương trình thiện nguyện thời gian qua cho thấy tấm lòng sẵn sàng sẻ chia và niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta đối với hoạt động từ thiện. Trong hoạt động thiện nguyện cũng sáng ngời những tấm gương người tốt. Không phải chỉ những cá nhân, tập thể có điều kiện về kinh tế, mà cả những người còn chưa hết khó khăn, như bệnh nhân đang điều trị, người già neo đơn… cũng góp công, góp của, góp những đồng tiền mồ hôi xương máu của mình, gửi tới đồng bào đang khó khăn nơi bão lũ.

Tuy nhiên cũng trong thời gian qua, khi các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thiện nguyện, đã xuất hiện những sự việc đáng tiếc.

Đầu tiên, là việc quá nhiều đoàn thiện nguyện cùng lúc xuất hành khiến các tuyến quốc lộ chính đang bị chia cắt bởi thiên tai, đã trở nên quá tải. Nhiều đoàn cùng lúc về một địa bàn cũng khiến các phương tiện như xuồng máy, đò… vận chuyển trở nên khan hiếm. Chính quyền các địa phương đã căng sức vẫn không thể ngay lập tức cùng lúc hỗ trợ các đoàn. Bản thân các đoàn thiện nguyện cũng chưa lường hết những khó khăn, thậm chí có đoàn gặp nguy hiểm khi đến địa bàn lạ, bị chia cắt, vẫn đang tiếp tục bị đe doạ bởi thiên tai.

Do địa bàn bị ảnh hưởng bởi thiên tai rất rộng lớn, giao thông bị chia cắt, nên xuất hiện tình trạng có địa phương đón nhiều đoàn cứu trợ dẫn tới tình trạng hàng hoá, nhu yếu phẩm phát cho các hộ gia đình quá nhiều; trong khi, có địa phương – nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị ngập lụt nặng… lại không có đoàn cứu trợ nào tiếp ứng.

Tình trạng thừa – thiếu cục bộ cũng là nguyên nhân dẫn tới cảnh: Có nơi dân đói, nhưng có nơi đồ ăn và quần áo cũ lại thừa. Thêm vào đó, do quá nhiều tổ chức, đơn vị thực hiện các hoạt động thiện nguyện và chưa có sự liên kết về thông tin, nên một số sản phẩm từ thiện có nơi có lúc bị dư thừa, trong lúc các nhu yếu phẩm khác và tiền mặt để bà con khắc phục hậu quả bão lũ thì không đáp ứng được. Thậm chí có cảnh: Nhiều bánh chưng dù rất mất công sức chuẩn bị và vận chuyển nhưng đã bị hỏng trước khi tới tay người nhận, rất lãng phí.

Những ngày gần đây, cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến nghi ngờ, băn khoăn về khả năng một cá nhân có thể điều hành, xử lý một khối lượng quá lớn tiền từ thiện; thậm chí có cả ý kiến bất bình khi cho rằng việc phân chia qùa từ thiện của một số nhóm đã có biểu hiện cảm tính. Công tác tổ chức trao tặng cũng không được thực hiện một cách chu đáo, thể hiện tinh thần yêu thương và tôn trọng những đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Những ý kiến trái chiều đôi lúc còn làm tổn thương chính những người đi làm công tác “cầu nối”, chuyển quà từ thiện từ Mạnh Thường Quân tới tay đồng bào khó khăn.

Và quan trọng nhất là khi có quá nhiều đoàn từ thiện nhỏ lẻ, thì nguồn lực trong dân chúng sẽ không được tập trung để giải quyết những vấn đề căn cơ (ví dụ việc ứng cứu chỉ là tạm thời, trong khi những nhà chống lũ, trường trạm y tế, trạm cứu hộ… là các thiết chế cơ bản để người dân sở tại có thể “sống chung với lũ” lâu dài, giảm bớt những mất mát thương tâm trong tương lai).

Đây chính là những căn cứ xác đáng để có ý kiến đề xuất rằng công tác từ thiện nên thông qua các đơn vị của Nhà nước. Hiện nay, chúng ta đã và đang có các cơ quan của Chính phủ thực hiện điều phối các nguồn lực trong dân chúng nhằm hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn; đồng thời các cá nhân cũng được phép huy động và tổ chức hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động thiện nguyện trong nước từ trước tới nay và đợt bão lũ này; đồng thời rút kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức xã hội đã thành công với các mô hình thiện nguyện, thì công tác từ thiện, cứu trợ ở nước ta có thể chuyên nghiệp hoá hơn nữa, thông qua việc tổ chức một cách bài bản hơn, khoa học hơn. Trong thời điểm thiên tai bất kỳ, không nhất thiết phải máy móc theo một quy trình nhưng vẫn cần bảo đảm các thao tác: Khảo sát, đánh giá, lên danh sách nhu cầu, kêu gọi, thực hiện, bàn giao nghiệm thu. Các quỹ bảo trợ uy tín (công và tư) trên thế giới đều có bộ phận điều hành chuyên nghiệp, để bảo đảm công tác từ thiện được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả, vừa để bảo đảm những đồng tiền từ thiện của nhân dân được sử dụng đúng mục đích, vừa bảo vệ chính những người đứng ra làm từ thiện.

Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện tại, ở nước ta, có những địa bàn khó khăn hiểm trở, nguy hiểm cho chính đội ngũ tình nguyện viên, thì việc phối hợp cùng những lực lượng cứu trợ của quân đội, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền … là điều vô cùng cần thiết, để có thể điều phối và vận chuyển, phân phối hàng hoá cứu trợ đến đúng nơi, trao đúng người, bảo đảm công bằng cho người dân.

Xuất phát từ nhu cầu phối hợp này, nên chăng không phải chờ đến khi lại có những đợt thiên tai xuất hiện, mà cần sớm có một “cổng thiện nguyện” bao phủ toàn quốc, cập nhật kịp thời những điểm cần cứu giúp, để các nhóm thiện nguyện có căn cứ huy động các Mạnh Thường Quân. “Cổng thiện nguyện này” cũng nhằm gia tăng kết nối và phối hợp, điều phối các tổ chức, nhóm thiện nguyện khác nhau, để khi cần có thể tổ chức hoạt động thiện nguyện một cách bài bản và hiệu qủa nhất.

Đất nước ta còn nghèo, lại thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, địch hoạ. Việc chuyên nghiệp hoá hoạt động thiện nguyện chính là để thể hiện sự trân trọng và trách nhiệm với những đồng tiền của niềm tin và lòng trắc ẩn, đưa chúng đến đúng địa chỉ, giúp đúng người, đúng việc, bảo đảm sự tiết kiệm cho lâu dài của toàn xã hội.

Thùy Hương/Báo Tin tức
Chạy bộ gây quỹ từ thiện BritCham Fun Run lần thứ 20 tại TP Hồ Chí Minh
Chạy bộ gây quỹ từ thiện BritCham Fun Run lần thứ 20 tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 29/10, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc - BritCham Vietnam tổ chức họp báo sự kiện chạy bộ Fun Run 2020 gây quỹ từ thiện lần thứ 20 sẽ diễn ra vào sáng ngày 15/11 tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN