Chuyện không đáng có

Lại thêm một lần, mâu thuẫn giữa đơn vị quản lý và vận động viên đã lại xảy ra ở lĩnh vực bơi lội, khi gia đình vận động viên Nguyễn Diệp Phương Trâm mới đây làm đơn xin chấm dứt hợp đồng đào tạo và thi đấu của em với đơn vị chủ quản là Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu (TP Hồ Chí Minh). Lý do được gia đình Phương Trâm đưa ra là để em “đi học tập ở nước ngoài và kết hợp phát triển sự nghiệp bơi lội.

Chuyện không đáng có một trong những tài năng trẻ của bơi lội Việt Nam. Em tập luyện tại Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu khi chưa đầy 10 tuổi. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là “viên ngọc thô sáng giá”, là “tiểu Ánh Viên” của làng bơi Việt Nam. 

Trong vòng 4 năm qua, em đã giành 6 Huy chương vàng tại giải vô địch quốc gia. Ở tuổi 14, Phương Trâm trở thành vận động viên trẻ nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 18 diễn ra tại Singapore cuối tháng 6 vừa qua.

Có dư luận, sở dĩ xảy ra sự việc trên là do gia đình Phương Trâm bất đồng với chế độ đãi ngộ của đơn vị chủ quản dành cho em. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây chỉ là cái cớ để Phương Trâm đầu quân cho đơn vị khác. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh (VHTTDL) đã có công văn yêu cầu gia đình Trâm bồi thường khoản chi phí đào tạo (theo tính toán là 961 triệu đồng) khi chấm dứt hợp đồng. Theo quan điểm của lãnh đạo Sở VHTTDL TP Hồ Chí Minh, gia đình Phương Trâm sẽ không phải bồi thường chi phí đào tạo nếu việc Phương Trâm đi du học và tập luyện bơi ở nước ngoài là đúng sự thật và vận động viên này không đầu quân cho một đơn vị khác.

Không ai dám chắc những rắc rối hiện tại có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp thi đấu của em như câu chuyện mà rất nhiều tài năng trẻ khác của thể thao Việt Nam đã từng gặp phải. Trường hợp của Phương Trâm đúng hay sai thế nào rất cần được các bên liên quan giải quyết sớm, bởi nếu kéo dài, không chỉ làm ảnh hưởng tới tâm lý luyện tập cũng như thành tích thi đấu của em, mà còn tạo ra tiền lệ xấu trong công tác đào tạo cũng như quản lý vận động viên thể thao.

Trên thực tế, thể thao thành tích cao Việt Nam đã từng xảy ra không ít trường hợp “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong việc tuyển chọn, sử dụng vận động viên. Cách đây chưa lâu, đã từng xảy ra mâu thuẫn về hợp đồng lao động giữa vận động viên bóng chuyền Nguyễn Hữu Hà và CLB Tràng An Ninh Bình, khiến tuyển thủ quốc gia này phải nghỉ thi đấu 1 năm. Điền kinh, Judo cũng từng gặp rắc rối trong trường hợp của Vũ Thị Hương với đơn vị cũ Thái Nguyên; giữa Trương Thanh Hằng và đơn vị chủ quản TP Hồ Chí Minh; hay võ sĩ Văn Ngọc Tú với Trung tâm Huấn luyện thể thao Gia Lai... Nhìn chung, cái gốc của vấn đề là vận động viên muốn chuyển đến thi đấu cho các đơn vị có điều kiện thi đấu, chế độ đãi ngộ tốt hơn để có cơ hội phát triển tài năng.

Trở lại trường hợp của Phương Trâm, hiện tại, em vẫn tiếp tục tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại TP Hồ Chí Minh (vì em là thành viên đội tuyển quốc gia). Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Tổng cục TDTT cho rằng, trước mắt Tổng cục TDTT đề nghị các bên liên quan ngồi lại với nhau giải quyết. Do đây là hợp đồng về lao động, nếu sự việc không được giải quyết ổn thỏa, chỉ còn cách là đưa ra tòa án phân xử. Hy vọng, gia đình Phương Trâm và đơn vị chủ quản là Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu sẽ sớm tìm được tiếng nói chung; không thể vì một chuyện không đáng có, mà để một tài năng thể thao bị thui chột.
Yến Nhi
Kỳ vọng vào sự đổi mới giáo dục
Kỳ vọng vào sự đổi mới giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng triển khai đại trà vào năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN