Liên tiếp diễn ra hai hội nghị liên quan đến lĩnh vực cải cách thủ tục thuế (một ở cấp Chính phủ, một ở cấp ngành) vào những ngày đầu tháng 8 đã cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm làm thay đổi căn bản phương thức thu thuế, với mục tiêu đơn giản, hiệu quả, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Để làm được như vậy, vấn đề con người có yếu tố quyết định. Nói cách khác, muốn cải cách, muốn thay đổi, mấu chốt là phải thay đổi tư duy của chính cán bộ làm công việc liên quan đến thủ tục thuế.
Xưa nay, mỗi khi nói đến bất cập, nhiêu khê trong thủ tục hành chính, thì lĩnh vực thuế thường được xếp vào bậc nhất. Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế (do Bộ Tài chính tổ chức) mới đây, rất nhiều doanh nghiệp "xếp hàng" phàn nàn về thủ tục, quy định pháp luật về thuế, hải quan. Cũng tại diễn đàn này, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp; với kết quả có 37% doanh nghiệp cho rằng các quy định pháp luật về thuế và hải quan đang dẫn đầu bảng trong các thủ tục “hành là chính”. Riêng lĩnh vực thuế, theo các doanh nghiệp, có nhiều yếu tố làm tốn thời gian làm các thủ tục thuế.
Đơn cử, chứng từ mua vào với số lượng quá nhiều, quá chi tiết nhưng lại không có chứng từ đối với các dịch vụ cung ứng nhỏ lẻ. Số lượng bảng kê hàng hóa mua vào, bán ra quá nhiều với quá nhiều chi phí nhỏ lẻ; bảng kê quá dài làm tăng chi phí và thời gian in ấn. Đặc biệt, các biểu mẫu về thuế thường xuyên thay đổi, khó cập nhật, phải chỉnh sửa nhiều và không thống nhất giữa cơ quan thuế về biểu mẫu phải nộp. Do vậy, khi thực hiện quy trình kê khai, nộp và quyết toán thuế, người dân và doanh nghiệp bị mất nhiều thời gian giải trình.
Vẫn tồn tại nhiều bất cập trong các văn bản pháp luật cũng như khâu triển khai chưa đồng bộ thủ tục hoàn thuế, chế độ hạch toán, thiếu đồng bộ thông tin lệ phí tờ khai... Rất nhiều khâu đoạn, yêu cầu đã được loại bỏ trên giấy nhưng vẫn bị đòi hỏi trên thực tế. Thậm chí có nơi, cán bộ thuế vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung thêm những giấy tờ không có trong quy định... Điều đáng quan tâm là những sự việc, những bất cập nói trên diễn ra vào đúng thời kỳ cao điểm của công cuộc cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang rốt ráo chỉ đạo. Mới nhất, trong 600 doanh nghiệp bị “bêu” nợ thuế trong thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp bị oan khi đã nộp tiền qua ngân hàng, có ủy nhiệm chi nhưng hệ thống chưa kịp cập nhật.
Những bất cập nêu trên, chưa hẳn là để "hành", để "vòi" doanh nghiệp, mà có thể là do trình độ năng lực, hoặc vì thói quen, vì sợ trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 5/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: “Luật pháp nhiều mà phẩm chất năng lực cán bộ không tốt thì cải cách không được. Con người là quyết định”. Còn tại cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính thuế diễn ra chiều 10/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thừa nhận rằng, thói quen và tư duy cũ của nhiều cán bộ, công chức đang là lực cản cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi công vụ của nhiều cán bộ, công chức chưa cao. Việc áp dụng công nghệ thông tin để thống kê các doanh nghiệp nộp thuế là đúng, nhưng cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm nên đã dẫn đến việc doanh nghiệp bị bêu tên sai.
Rõ ràng, công cuộc cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế là hết sức khó khăn, phức tạp vì nó không chỉ đơn giản là gạch bỏ bao nhiêu dòng, bao nhiêu đoạn... trong quy trình hiện tại, mà còn là sự "thay máu" về tư duy của cán bộ, công nhân viên của ngành này.
Điều đó cũng cho thấy, hành trình cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn là một thách thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.