Cần rút bài học qua đợt lụt đầu mùa ở miền Bắc

Ngay từ đầu năm 2015, các nhà thiên văn học và các chuyên gia theo dõi về tình hình khí tượng quốc tế đã đưa ra những lời cảnh báo đáng lo ngại về sự biến đổi khí hậu phức tạp của năm nay, được họ gọi là "năm El Niño". Đồng thời, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đưa ra nhiều quyết định và sự lưu ý đối với cả nước và các địa phương về tình hình này.

Trên thực tế, vừa qua nhiều địa phương đã đối phó và xử lý khá thành công với nạn hạn hán kéo dài ở miền Trung, miền Nam Trung Bộ cũng như nạn hạn hán và nước mặn xăm nhập vào đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 này, ở miền Bắc đã có mưa to và rất to, gây lụt lội và thiệt hại lớn ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định ở phía Đông Bắc rồi vòng lên Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, đổ sang các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái... ở phía Tây Bắc . Tuy vậy, những trận mưa này mới chỉ là những trận mưa đầu mùa ở miền Bắc. Các trận mưa lớn, nguy hiểm và kéo dài nhiều ngày hơn còn đang ở phía trước, nhất là vào “tháng mưa ngâu” thường rơi vào tháng 7 âm lịch. Mới vậy thôi mà các trận mưa vừa qua dường như đã làm cho chúng ta bị động, lúng túng trước mưa lũ; và đã chịu nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, đường sá, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vậy qua đây cần phải rút ra những bài học gì sau khi đã biểu dương và đánh giá cao cố gắng về nhiều mặt của các địa phương trong việc khắc phục hậu quả của các trận mưa lũ vừa qua ?

Điều đầu tiên là các cấp Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cả nước, kể cả các địa phương nói trên cần xem xét lại việc quán triệt những chỉ thị, nghị quyết và cảnh báo của cấp trên đối với các nguy cơ do tình hình biến đổi khí hậu gây ra. Ở các nơi, các cấp lãnh đạo và quản lý có trách nhiệm đã đề ra được các biện pháp đề phòng và ứng phó thích hợp với diễn biến của tình hình chưa hay còn chủ quan, đủng đỉnh khi “nước còn chưa tới chân” nên “chưa cần phải nhảy”? Khi mưa lũ ập xuống rồi đã động viên và tổ chức được mọi lực lượng theo phương châm“bốn tại chỗ” để cứu giúp nhân dân và khắc phục hậu quả kịp thời chưa? Để bù đắp lại những tổn thất lớn và thiệt hại của nhân dân, của đất nước, các nơi đã chủ động đề xuất những giải pháp gì thiết thực, lâu dài ?

Điều thứ hai là các địa phương phải rút ra ngay những bài học về trách nhiệm lãnh đạo và quản lý của các cấp, các ngành liên quan. Dư luận những ngày qua đặc biệt quan tâm đến những thiệt hại xảy ra ở Quảng Ninh. Chỉ sau mấy ngày mưa lũ mà Quảng Ninh đã có hơn chục người chết, hàng chục người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị đổ hoặc vùi lấp, một nguồn tài sản lớn của nhân dân và của Nhà nước bị thiệt hại, ước tính tới trên 2.000 tỷ đồng, chưa kể 1.200 tỷ đồng thiệt hại của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV). Phải chăng đây là do tỉnh Quảng Ninh đã để cho Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) chỉ khai thác than mà không xử lý kịp thời và nghiêm túc nguồn đất đá, rác thải bóc ra.

Chính những “núi đất đá” mà TKV đổ ra cao tới hàng trăm mét khi mưa to đổ xuống đã làm cho chúng tan ra đổ ập xuống các vùng dân cư, vùi lấp nhà cửa, hoa màu và tài sản của nhân dân. Theo các cơ quan truyền thông, riêng ở Cẩm Phả đã tập trung tới 70% các bãi thải đất đá này. Rồi chính các “ao nước khổng lồ” do khai thác than tạo ra đã góp thêm nguồn nước gây ngập úng ở nhiều nơi trong tỉnh. Và chính các con đường mà TKV mở ra mà không san lấp, kê chắn và xử ký các ta-luy cẩn trọng theo đúng các tiêu chuẩn khoa học nên khi mưa to đổ xuống, nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng nặng, các ta-luy và sườn dốc bị sạt lở xuống đường và các vùng lân cận hàng nghìn mét khối đất đá, gây tác hại to lớn và ách tắc giao thông. Chính do những việc làm này mà nay TKV phải tạm ngừng cung cấp than cho nhiều nhà máy nhiệt điện trong cả nước, gây tác hại không nhỏ, đấy là chưa kể ba vạn công nhân và người lao động trong TKV phải nghỉ hoặc dãn việc, cuộc sống rất khó khăn.

Như vậy có phải là lỗi của TKV không? Đấy là câu hỏi mà dư luận nhân dân đang đặt ra. Dư luận còn đặt vấn đề: Vậy thì lãnh đạo và cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh nhiều năm nay không phát hiện ra hay phát hiện mà không xử lý những hậu quả từ việc khai thác than của TKV? Tương tự như Quảng Ninh, các tỉnh và địa phương khác nhân dịp này cũng cần rút ra những bài học kịp thời để ứng phó với tình hình mưa bão sắp tới.
Người dân
Bắc Kạn thiệt hại gần 26 tỷ đồng do mưa lũ
Bắc Kạn thiệt hại gần 26 tỷ đồng do mưa lũ

Trong đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến ngày 4/8, tổng thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, công trình thủy lợi... tại tất cả các huyện, thị ở Bắc Kạn là gần 26 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN