Uẩn khúc giá đùi gà nhập khẩu

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ vừa chính thức có đơn đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ có mức giá thấp bất thường (1 USD/kg, tương đương 20.000 đồng/kg). Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, với giá này thì người chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh nổi và đứng trước nguy cơ phá sản. Có người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là sản phẩm kém chất lượng, hay là hành động bán phá giá gây rối thị trường?

Để có cơ sở kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan chức năng, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã cử người “kinh lý” sang Mỹ tìm hiểu và được biết, giá đùi gà tại các siêu thị ở Mỹ khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg (2,5-4 USD/kg), tức là cao gấp 4 lần giá bán tại Việt Nam. Sự việc chắc chắn sẽ được các ngành chức năng làm sáng tỏ, nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ về thực trạng chăn nuôi nước ta.

Thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, đặc biệt khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được lợi khi có cơ hội tiếp cận với nhiều loại thực phẩm giá rẻ hơn, nhưng lại gây khó khăn cho người sản xuất nhà xuất khẩu. Theo một số chuyên gia kinh tế, chăn nuôi là ngành lớn thứ hai trong nông nghiệp của Việt Nam có tới 10 triệu nông dân đang sống nhờ chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi bị coi là ngành kém cạnh tranh, không bền vững và dễ chịu tác động xấu của các hiệp định thương mại tự do... Nếu đặt lên bàn cân so sánh, khi TPP được ký kết, ngành chăn nuôi trong nước sẽ hết sức bất lợi. Hay nói cách khác, ngành chăn nuôi nước ta sẽ bị thiệt hại nặng nhất khi TPP ký kết, do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào, như thịt bò từ Australia; thịt gà, thịt lợn từ Mỹ….

Thực tế, ngành chăn nuôi nước ta dù đã có khá nhiều thay đổi, đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, nhưng vẫn manh mún, lạc hậu so với nhiều quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển. Cụ thể, quy mô chăn nuôi ở nước ta chủ yếu dựa vào chăn nuôi hộ, lệ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu giống và thức ăn; dịch bệnh còn phổ biến; gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế… 

Điều đó làm giảm khả năng cạnh tranh của thực phẩm sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại lại được sản xuất công nghiệp, giá thành rẻ hơn và được nhập khẩu tràn lan rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn lúng túng chưa tìm ra biện pháp giải quyết và có định hướng, hỗ trợ hữu hiệu cho nông dân. Người chăn nuôi đang bị ép cả đầu vào và đầu ra, từ con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh… trong khi đầu ra phụ thuộc nhiều vào thương lái. Thống kê cho thấy, các kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi ở nước ta phải qua rất nhiều tầng lớp trung gian và chính điều này đã góp phần làm tăng giá thành. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại lại được sản xuất công nghiệp, năng suất cao nên giá thành rẻ hơn. Không những thế, chính sách đối với phát triển chăn nuôi đang có nhiều bất cập, đơn cử như một con gà, từ lúc nuôi đến lúc giết mổ phải “cõng” tới 14 loại thuế và phí (thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, phí tiêu độc sát trùng, phí kiểm soát giết mổ, thuế VAT, phí kiểm dịch…).

Nếu không có biện pháp tháo gỡ, người chăn nuôi khó trụ được trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại bởi phần lớn dân số nước ta đang sống ở nông thôn và dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Yến Nhi
Điều tra toàn diện việc đùi gà Mỹ giá 20.000 đồng/kg
Điều tra toàn diện việc đùi gà Mỹ giá 20.000 đồng/kg

Cục Chăn nuôi đã cử cán bộ vào cuộc kiểm tra việc đùi gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam đang được bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN