Trong thời gian qua, đùi gà Mỹ được nhập về bán ở Việt Nam với giá rẻ bất ngờ 20.000 đồng/kg, khiến nhiều người tiêu dùng đặt ra câu hỏi chất lượng loại gà này như thế nào. Để giải đáp thắc mắc này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
* Xin ông cho biết, vì sao đùi gà Mỹ lại được bán với giá rẻ, chỉ có 20.000 đồng/kg ở Việt Nam?
Như thông tin tôi nắm được, giữa tháng 12/2014 nước Mỹ xảy ra đợt cúm gia cầm quy mô lớn H5N8, khoảng 16 bang của Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm này. Sau đó, khoảng 30 nước nhập khẩu thịt gà Mỹ đã dừng nhập. Đến tháng 5/2015, Việt Nam mới bắt đầu nhập. Do vậy, tôi cho rằng, phần lớn sản phẩm gà của Hoa Kỳ đã được trữ lại trong quá trình không xuất được. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng sản phẩm tồn kho gà đông lạnh của họ tăng 27% so với năm 2014. Đây là con số rất lớn.
Thói quen sử dụng thịt tươi sống của người tiêu dùng Việt Nam sẽ là hàng rào kỹ thuật “tự nhiên” đối với thịt ngoại. Kiểm tra chất lượng thịt tại chợ An Ninh, phường Quang Trung, Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Về mặt thương mại, khi không xuất khẩu được, người ta chấp nhận bán với giá rẻ hơn bình thường, để đẩy hàng tồn kho đi. Vì giữ gà đông lạnh đảm bảo chất lượng tốn rất nhiều kinh phí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân.
Thứ hai, sau dịch cúm gia cầm, tôi được biết, số lượng trứng gà Mỹ tăng lên đột ngột 23% so với năm 2014. Lượng trứng gà tăng lên, sau 10 tháng, số lượng gà thải loại cũng tăng lên, đây sẽ là nguồn thịt gà để các doanh nghiệp nhập về. Nhiều nước không ăn loại gà này, vì có tồn dư một số chất trong quá trình đẻ trứng. Ở Việt Nam, do văn hóa ẩm thực, chúng ta lại ưa chuộng loại thịt này, đặc biệt là đùi, chân, cổ, cánh, nội tạng.
Thứ ba, người châu Âu, Bắc Mỹ chủ yếu sử dụng lườn gà vì có lượng mỡ thấp, nhưng ở Việt Nam chủ yếu ăn đùi, cánh... tạo ra “đất” cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt gà giá rẻ.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang khảo sát, tìm kiếm các loại gà này để kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi nghĩ đến chuyện kiện bán phá giá. Hơn nữa, việc kiện bán phá giá không hề đơn giản, cần nguồn lực rất lớn, thu thập thông tin đầy đủ mới tiến hành được.
Bên cạnh đó, để có câu trả lời chính xác, chúng ta cần có cuộc điều tra, so sánh giá thành sản xuất một kg thịt gà lông trắng ở Việt Nam với Mỹ. Hiện ở Việt Nam khoảng 29.000 - 30.000 đồng/kg, chúng ta cũng chưa có thông tin cụ thể về giá gà ở Mỹ. Phải dựa trên số liệu điều tra cụ thể mới so sánh được, khởi kiện được.
* Chúng ta sắp tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP, cộng đồng ASEAN... kéo mức thuế nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm về 0%. Bộ đã làm gì để chuẩn bị cho các sự kiện này?
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến ký kết đầu năm 2016, cộng đồng ASEAN cũng vậy. Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại song phương, một số loại thịt đã được nhập về Việt Nam với mức thuế thấp. Còn khi gia nhập TPP, các đối thủ cạnh tranh rất lớn là Australia, Mỹ... vì họ có điều kiện kinh tế, khoa học, công nghệ cũng như sản phẩm giống, thức ăn chăn nuôi rất tốt, giá gà của họ rất rẻ, cạnh tranh. Ví dụ, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá gà thịt xẻ trong quý II là 2,1 - 2,2 USD/kg (50.000 đồng/kg).
Hiện nay, chúng ta vẫn còn hàng rào thuế quan, nhưng khi ký kết các điều khoản thì thuế sẽ về 0%. Ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi, nhưng chúng ta đủ thời gian để đối phó với các hiệp định này bằng việc cải cách, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Để cạnh tranh, ngành chăn nuôi cần loại bỏ các khâu trung gian làm tăng giá như: 6 - 7% về giống, 9 - 10% về thức ăn chăn nuôi, khâu trung gian giết mổ 8 - 10%. Các khoản phí này gộp lại khiến giá gà cao hơn nhiều. Thứ hai, mở rộng quy mô. Chăn nuôi nông hộ đang chiếm hơn 50%, cần giúp người dân tiếp cận vốn, đất, hỗ trợ liên kết để có quy mô lớn hơn... tạo nên giá thành cạnh tranh hơn.
Thứ ba, Việt Nam phải chủ động dần nguồn thức ăn chăn nuôi. Trồng các loại cây phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì thức ăn đóng góp 65 - 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi.
* Để tránh cho người chăn nuôi gặp những cú “sốc” như đối với đùi gà Mỹ trong thời gian qua, Bộ đã chuẩn bị những gì?
Ngoài thuế, chúng ta có thể áp dụng các hàng rào kỹ thuật, nhưng đòi hỏi Việt Nam phải có các phòng thí nghiệm chuẩn, đưa ra các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại thịt được nhập về Việt Nam.
Hơn nữa, chúng ta có hàng rào kỹ thuật “tự nhiên”, xuất phát từ văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Hiện người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa chuộng thịt tươi sống, có hơn 80% người tiêu dùng sử dụng thịt tươi sống cho bữa ăn hàng ngày. Thịt đông lạnh nhập khẩu đang xâm nhập dần vào thị trường nhưng chiếm chưa quá 20% nhu cầu tiêu dùng. Do vậy, đây cũng là một hàng rào “tự nhiên” giúp ngành chăn nuôi cạnh tranh, đủ thời gian thực hiện tái cơ cấu, nâng cao chất lượng.