Ẩn họa từ thiên tai

Tàn dư của trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh chưa kịp lắng, thì lại xảy ra trận lũ quét khủng khiếp ở Tuần Giáo (Điện Biên) cuốn văng cả trăm xe máy cùng nhiều tài sản có giá trị của người dân địa phương. 

Vụ sạt lở đất sáng 1/8 tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) khiến hai người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà chìm trong bùn đất... Chắc chắn, thiệt hại chưa dừng lại, bởi nhiều tỉnh khu vực phía Bắc vẫn tiếp tục phải hứng chịu hậu quả nghiệt ngã của thiên tai.

Thảm họa từ thiên nhiên đang là sự cảnh báo đối với trước những tác động tiêu cực của con người đối với thiên nhiên, môi trường. Chuyện vỡ đập chứa xỉ than tại các công ty cổ phần Than Cao Sơn và Than Cọc 6 trong những ngày mưa lớn vừa qua cho thấy, tai họa luôn rình rập và sẽ trở thành thảm họa nếu con người vẫn lơ là, không có phương án chủ động phòng chống. Khi rừng đầu nguồn bị đốn hạ, thì lo ngại của người dân Quảng Ninh về những hầm lò có nguy cơ biến thành những túi nước khổng lồ đổ ập xuống các khu dân cư khi có mưa lớn là không có cơ sở.

Trong suy nghĩ của nhiều người, trận mưa lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua tại Quảng Ninh, cũng như các trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán ở các tỉnh miền Trung; tình trạng lũ lụt, nước biển xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long... là bất khả kháng, là tai họa từ trên trời rơi xuống. Nhưng trong con mắt của các nhà khoa học, đây không phải là một tai họa bất ngờ, mà nó được cảnh báo trước, khi con người có những tác động tiêu cực vào sự biến đổi của khí hậu và chính con người phải gánh chịu hậu quả của hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan.

Nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có mức độ rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính hàng năm chiếm khoảng 1,5% GDP. Trong tương lai, Việt Nam vẫn là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu. Có lẽ, sự cảnh báo đó là không thừa, nếu như trong tiềm thức nhiều người “nắng mưa là chuyện của trời", các cấp chính quyền, ngành, địa phương chưa thật sự chủ động trong phòng chống, ngăn ngừa thiên tai, đợi “nước tới chân mới nhảy”.

Cần ý thức rằng, thiên tai không trừ một ai và hậu quả sẽ thật khủng khiếp nếu công tác phòng chống thiên tai không có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người. Cũng cần thấm thía lời ông cha ta đã căn dặn từ ngàn xưa: “Lũ lụt thì lút cả làng/Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo”.

Không phải ngẫu nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia dành những khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại khá lớn giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Việt Nam đã nhận được 45 tỷ yên (tương đương 450 triệu USD) vốn ODA Nhật Bản cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bằng nội lực, Chính phủ Việt Nam hằng năm cũng dành nguồn ngân sách đáng kể để triển khai các chương trình trồng, bảo vệ rừng, các dự án phát triển sạch, chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện với khí hậu, giảm phát thải khí CO2, ngăn nước biển dâng...

Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa đủ, nếu như chưa tạo được sự đồng lòng của toàn xã hội trong việc ngăn chặn thảm họa thiên tai. Từ những thiệt hại to lớn về người và tài sản ở Quảng Ninh và một số tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày qua, để lại bài học thật sâu sắc: Khi thiên nhiên đã nổi giận, thì khó mà ngăn cản nổi!

Yến Nhi
Mưa lũ làm 7 người thương vong tại Lai Châu, Sơn La và Điện Biên
Mưa lũ làm 7 người thương vong tại Lai Châu, Sơn La và Điện Biên

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, mưa lũ đã làm 3 người chết (Lai Châu 2 người; Sơn La 1 người) và 4 người bị thương ở Điện Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN