Chế tài việc lạm dụng bia rượu là cần thiết

Quốc hội không bấm nút thông qua dự thảo Luật phòng chống tác hại của bia rượu, có thể là do còn nhiều quy định trong dự thảo luật này chưa được chặt chẽ, chưa hợp lý. Tuy nhiên, những chế tài nghiêm khắc cho hành vi lạm dụng bia rượu là hết sức cần thiết và cần được điều chỉnh để theo kịp với thực tế xã hội.

Năm 2016, bà Hadzialic, nữ bộ trưởng 29 tuổi – trẻ nhất trong lịch sử Thụy Điển đã từ chức Bộ trưởng Giáo Dục sau khi cảnh sát phát hiện chỉ số cồn trong máu của bà là 0,2/mille, trong lúc bà đang lái xe.

Bà Hadzialic cho rằng "tôi quyết định từ chức vì tôi tin rằng sự vi phạm của mình là nghiêm trọng" – dù rằng mức 0,2/mille được xem là mức giới hạn về nồng độ cồn trong máu để được phép lái xe - chỉ số này thấp hơn nhiều so với phần lớn quy định ở các quốc gia khác.

Ở nhiều quốc gia được xem là “cái nôi của bia, rượu” tuy hầu như chưa có quốc gia nào xây dựng một luật riêng về phòng chống tác hại của bia rượu, nhưng hành vi sử dụng bia rượu được quy định chặt chẽ trong các điều luật khác nhau.

Chẳng hạn quy định về độ tuổi được sử dụng bia rượu sẽ được điều chỉnh trong luật “bảo vệ thanh thiếu niên” nhằm hạn chế những tác hại của bia rượu đối với trẻ vị thành niên. Người mua, sử dụng rượu bia buộc phải chứng minh đã trên 16 – 18 tuổi.

Ở một số quốc gia phát triển, việc sử dụng rượu bia trong khi lái xe có thể dẫn đến hình phạt bị cấm lái xe suốt đời nếu vi phạm với nồng độ nghiêm trọng hoặc bị cấm lái xe từ 3 – 6 tháng, phạt tù… tùy mức độ vi phạm.

Nhiều quốc gia Châu Âu còn có cả quy định về việc sử dụng rượu bia nơi công cộng, quy định cấm sử dụng rượu bia trên các phương tiện giao thông công cộng, quy định cấm quảng cáo rượu bia, cấm kinh doanh rượu bia trên internet… nhằm hạn chế việc những người say xỉn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh cũng như hạn chế việc lạm dụng bia, rượu.

Ở Việt Nam, dưới thời nhà nước Đại Việt, bộ Luật Hồng Đức cũng đã quy định “vô cớ tụ tập uống rượu bị xử phạt 100 trượng”. Luật Giao thông hiện hành cũng quy định khá chặt chẽ về nồng độ cồn trong máu, trong khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Bộ Luật Hình sự cũng có quy định đối với người có hành vi phạm tội trong tình trạng “say xỉn” (sử dụng chất kích thích như rượu bia… dẫn đến không làm chủ được hành vi). Hành vi phạm tội trong tình trạng này vẫn bị xử lý hình sự như người bình thường – không được xem là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng.

Như vậy, nhìn một cách tổng thể, pháp luật hiện hành vẫn đang có những chế tài tương đối đầy đủ đối với những hành vi sử dụng bia, rượu, chất kích thích. Tuy nhiên cùng với việc thay đổi hành vi của xã hội, trong những trường hợp cụ thể, cần phải có những quy định pháp luật nhằm điều chỉnh những hành vi đang phát sinh trong thực tế.

Thực tế là, trong những năm gần đây số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc sử dụng rượu bia chiếm đến trên 70%, trong đó có rất nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây chết nhiều người, tạo nên nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với xã hội. Số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam trung bình gần 10 nghìn người/ năm và đây vẫn được xem là con số thống kê chưa đầy đủ.

Thực tế là, rất nhiều vụ trọng án, thậm chí là giết người hàng loạt liên quan đến rượu bia ngày càng xuất hiện nhiều. Cùng với việc Việt Nam đang “vươn lên” trở thành thị trường tiêu thụ bia rượu vào hàng top trên thế giới thì bia rượu cũng ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sức khỏe, gia đình và toàn xã hội người Việt…

Sau giờ làm, ngày nào cũng là “lễ hội bia rượu” đối với phần lớn người Việt, bất chấp những tác hại mà gần như… ai cũng biết. Điều này đồng nghĩa với việc muốn điều chỉnh thói quen lạm dụng bia rượu hiện nay, không thể trông chờ vào ý thức tự giác của cộng đồng mà đòi hỏi cần phải có những quy định sát thực tế, đi kèm với biện pháp chế tài nghiêm khắc.

So với những thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay, cùng với việc quy định nồng độ cồn đối với người tham gia; điều khiển phương tiện giao thông thì hành vi sử dụng bia rượu quá mức quy định gây tai nạn cần phải được xử lý nặng hơn, phù hợp với xu hướng chung như ở các quốc gia khác. Bên cạnh những quy định pháp lý chung, cũng cần có những quy định, chế tài riêng (hoặc luật hóa) đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về những hành vi này theo hướng nghiêm khắc hơn – đặc biệt là việc sử dụng bia rượu trong giờ làm việc.

Và không chỉ đối với việc tham gia giao thông, hành vi lạm dụng rượu bia cũng cần được điều chỉnh cả về độ tuổi sử dụng, quy định việc sử dụng rượu bia ở không gian công cộng cũng như những hành vi phạm tội do sử dụng rượu bia cần được xem là tình tiết tăng nặng, nhằm hạn chế tối đa những tác hại của bia rượu.

Lê Hiền
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Đừng 'nhân danh' phát triển kinh tế, giải quyết việc làm
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia: Đừng 'nhân danh' phát triển kinh tế, giải quyết việc làm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 16/11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN