Nếu tìm một nghệ nhân thực thụ hoặc một nghề thủ công truyền thống của người Việt có thể sánh ngang với những nghệ nhân, những làng nghề truyền thống của người Nhật, người Trung Quốc… thì khó, nhưng từ xa xưa, nếu tìm một lò rượu, tìm một làng nấu rượu hay tìm một “thương hiệu” rượu ở mỗi địa phương, mỗi làng quê của người Việt thì… chỗ nào cũng có.
Rượu đi vào đời sống của người Việt từ rất sớm, len lỏi trong từng mái tranh, vách lá, từng bụi chuối, bờ tre cho đến hội hè làng xã… có thể cuộc sống cơ cực của những cư dân nông nghiệp đã khiến cho người Việt tìm đến rượu để phần nào vơi đi bớt những nhọc nhằn, vất vả sau những ngày lao động mệt nhọc. Họ cần “giãn gân giãn cốt”, họ cần một giấc ngủ say sau những ngày lao động quần quật để bắt đầu một ngày mới.
Nhưng bối cảnh xã hội hiện nay đã thay đổi hoàn toàn, dù vậy “nếp hằn” của rượu vẫn đè nặng lên toàn xã hội người Việt. Khắp hang cùng ngõ hẹp đến phố thị xa hoa, từ lề đường cho đến nhà hàng sang trọng, đâu cũng thấy quán nhậu, đâu cũng thấy bia rượu và người Việt cứ gặp nhau là nhậu. Nhậu để chứng tỏ tửu lượng, chứng tỏ đẳng cấp, chứng tỏ sự lắm tiền nhiều của bởi những chai rượu có giá bằng mấy chục vụ lúa của nông dân… nhưng bóng dáng của sự thưởng thức, bóng dáng của văn hóa trong các bữa nhậu thì vẫn còn nghèo lắm!
Khó ai có thể thống kê hết những tác hại từ việc nhậu, nhưng hàng ngày trên mặt báo, trên các trang mạng xã hội đều có thông tin về những vụ tai nạn giao thông do bia rượu, những vụ giết người do nhậu nhẹt, rồi con số những gia đình tan vỡ do bia rượu, số người Việt bị bệnh tật nan y do bia rượu… cũng khó thống kê hết. Cả xã hội đọc báo, đọc tin tức về những hệ lụy ấy, nhưng không ít người vẫn nghĩ việc ấy không liên quan đến mình, khi những tai họa ấy chưa ập đến với mình… nên vẫn cứ vui vẻ cạn ly mà quên rằng chính mình cũng sẽ phải tự đi xe về nhà sau bữa nhậu bí tỉ, quên rằng hạnh phúc gia đình, sức khỏe bản thân vẫn đang âm thầm lặng lẽ ra đi sau mỗi bữa nhậu…
Ước tính trong năm 2017, cả nước tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỉ lít bia (tương đương 233 triệu lít cồn). Số tiền mà người Việt bỏ ra để uống bia trong năm 2017 là gần 4 tỉ USD. Đi kèm với đó là 25.789 tỉ đồng chi phí điều trị cho 6 loại bệnh ung thư có nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ bia rượu và khoảng 50.000 tỉ đồng chi phí giải quyết hậu quả từ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu. Số tiền này chiếm khoảng 0,75% GDP cả nước.
Chưa kể chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2018 đã có khoảng 70% số người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông có vi phạm nồng độ cồn. Đáng lo ngại hơn, độ tuổi uống bia rượu ngày càng “trẻ hóa”. Khảo sát của ngành Y tế cho thấy, có 43,8% học sinh từ lớp 8-12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% uống đến mức say ít nhất một lần.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức độ tiêu thụ rượu bia do Chính phủ đề xuất và vừa được cơ quan thẩm tra của Quốc hội đồng ý là một việc làm cần thiết và đáng mừng trước thực trạng lạm dụng bia rượu quá mức của người Việt. Việc hạn chế bia rượu không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, tránh lãng phí… mà còn là việc làm cần thiết để cải tạo nòi giống, nâng cao thể chất, trí tuệ của người Việt, từ việc hạn chế những tác hại do lạm dụng bia, rượu.
Nhưng muốn việc hạn chế bia rượu thực sự hiệu quả và hình thành được ý thức cộng đồng, tất nhiên không thể trông chờ vào sự “tự giác” hay chỉ dựa vào việc tăng thuế, mà đòi hỏi phải có một chiến lược quốc gia với những quy định, chế tài hiệu quả. Cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể về độ tuổi được sử dụng bia rượu, giới hạn số lượng sử dụng bia rượu nơi công cộng trong hoạt động kinh doanh, kiểm soát chặt việc sản xuất và chất lượng bia, rượu trên thị trường… đi kèm với những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng bia rượu gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Những quy định này không mới với bất cứ một xã hội văn mình nào, vì vậy chúng ta cũng không thể tách khỏi thế giới văn minh để đắm chìm trong say sưa bia rượu.