Chất lượng nguồn nhân lực

Tại diễn đàn Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra ở thành phố Đà Nẵng mới đây, vấn đề “chất lượng nguồn nhân lực” một lần nữa lại được xới lên như một thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng 4.0. Với Việt Nam, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được báo động như một rào cản đối với công cuộc đổi và cần sớm được thay đổi.

Có thể khái quát, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta (thông qua hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng...) đang bộc lộ nhiều bất cập, nổi lên là quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng nhưng không tương xứng với chất lượng đầu ra, chương trình đào tạo chậm được cải tiến, chưa theo kịp sự phát triển chung của xã hội... 

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhận xét rằng, khi chuyển sang cơ chế thị trường, thì yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo là đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nhiều thành phần kinh tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo hiện nay còn nặng về lý thuyết, ít góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất của người học mà doanh nghiệp cần. Bên cạnh đó, công tác kiểm định về chất lượng đào tạo giữ vai trò hết sức quan trọng, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, thì năng suất lao động của người Việt Nam kém Singapore 15 lần, kém Malaysia 5 lần và chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan. Bất cập nêu trên rõ ràng có nguyên nhân từ chất lượng đào tạo, cũng cho thấy công tác đào tạo của các trường đại học, cao đẳng chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong xu thế hội nhập hiện nay.

Thực tế trên khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo tại các trường đại học hiện nay. Chất lượng đầu ra nguồn nhân lực kém cũng có nguyên nhân từ chất lượng đầu vào chưa bảo đảm. Trên trang thông tin điện tử của Trường đại học  Luật Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 10/2017) đăng tải danh sách 112 sinh viên hệ chính quy (gồm cả văn bằng 1 và 2) bị buộc thôi học vì kết quả học tập kém. Còn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi năm có từ 700 đến 800 sinh viên bị buộc thôi học do không theo được chương trình học, trong đó có cả sinh viên có điểm đầu vào rất cao. Việc các trường tuyển sinh ồ ạt, đào tạo đại trà, số sinh viên ra trường năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chất lượng sinh viên ra trường không tương xứng thật sự đáng báo động. Không ít sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu đơn giản của nhà tuyển dụng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cử nhân ra trường không kiếm được việc làm. 

Phải thấy rằng, sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực được đặt ra từ rất lâu, nhưng tới thời điểm này vẫn trong cái vòng luẩn quẩn, chưa có giải pháp thỏa đáng. Rõ nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trên thực tế, cửa đại học càng rộng mở, thì cơ hội tìm việc làm càng thu hẹp, bởi rất nhiều có vị trí việc làm chỉ cần người có trình độ trung cấp, hoặc sơ cấp, thế nhưng phần lớn hồ sơ đăng ký tuyển dụng là người có trình độ đại học. Bởi vậy, cũng dễ hiểu là số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường ngày một nhiều và cũng là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (hơn 72.000 cử nhân đang trong tình trạng thất nghiệp), trong khi công nhân có tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc thì luôn thiếu. 

Thực trạng nêu trên không những cho thấy sự lãng phí lớn về đào tạo, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo ở trường đại học, định hướng chọn nghề của sinh viên, quy luật cung - cầu của thị trường lao động hiện nay. Nếu những vấn đề này không được giải quyết thì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn tiếp tục rơi vào con đường bế tắc.

Nói không quá, chất lượng nguồn nhân lực chính là tương lai của đất nước, vì thế nếu chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kém sẽ khó đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng trở nên cấp thiết không chỉ với Việt Nam, mà còn với mọi quốc gia.

Yến Nhi
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế

Hiện, việc xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN