Chậm, hủy chuyến bay, sự vô cảm đáng sợ

Chất lượng, giá cả và thái độ phục vụ trong ngành hàng không đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là tình trạng chậm, hủy chuyến tăng mạnh vào dịp Tết Ất Mùi 2015. Chậm hủy chuyến bay, hành khách sẽ sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, nếu họ được thông báo kịp thời, sự hỗ trợ của hãng hàng không. Đáng tiếc, các hãng hàng không lại không làm được điều này. Thay vào đó là thái độ vô cảm, coi thường hành khách.

Vẫn biết, chậm, hủy chuyến bay có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân rất cơ bản và quan trọng, là do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp. Dịp Tết Ất Mùi 2015, không riêng Vietnam Airlines, nhiều hành khách của Vietjet, Jetstar Pacific đều phàn nàn vì máy bay liên tục bị chậm chuyến, khiến họ tốn nhiều thời gian, công sức chờ đợi, lỡ công việc.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề chậm chuyến, trong đó phần lớn xuất phát từ việc dồn, hủy chuyến vì lý do thương mại; cơ sở vật chất của cảng hàng không chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vào các giờ cao điểm.

Tình trạng chậm hoặc phải hủy chuyến bay không chỉ xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán, mà nó diễn ra ở mọi thời điểm, nghiêm trọng là vào các dịp nghỉ lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Theo báo cáo của Cục Hàng không, 6 tháng gần đây, các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến từ các yếu tố thương mại vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Cụ thể, 50% chuyến bay bị hủy vì lý do thương mại, chỉ có 14% chuyến bay chậm, hủy do thời tiết, 15% do lỗi kỹ thuật...

Không thể phủ nhận, thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực vào cuộc nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của các hãng hàng không, như thành lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển, triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến. Cách đây chưa lâu, trong cuộc giao ban của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngành hàng không phải bằng mọi cách giảm tỷ lệ chậm hủy chuyến bay. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, tình hình vẫn chưa có cải thiện nào đáng kể.

Thực tế cho thấy, với hệ thống hạ tầng hiện nay của ngành hàng không, thì việc đạt 100% số chuyến bay đúng giờ là không thể, nhưng với những điều kiện chủ quan mà khắc phục được để nâng khả năng khai thác lên là hoàn toàn có thể. Kết quả đợt kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải gần đây cho thấy, các hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến lên tới 17,3%; hủy chuyến chiếm 5%... xuất phát từ công tác điều hành bay thiếu khoa học, công tác kiểm tra an ninh, vận chuyển hành lý, đón trả khách tại cảng hàng không chưa thật hợp lý... Đây hoàn toàn là nguyên nhân chủ quan và có thể khắc phục được nếu ngành hàng không xác định rõ đó là trách nhiệm của mình, cầu thị và quyết tâm khắc phục.

Có ý kiến đề nghị, trong khi chờ vào sự thay đổi của các hãng hàng không, của ngành hàng không, thì ngành chủ quản (Bộ Giao thông Vận tải) cần khẩn trương sửa đổi các quy định không còn phù hợp, trong đó cần xác định cụ thể nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của đơn vị kinh doanh hàng không khi để xảy ra chậm, hủy chuyến bay, gây hậu quả nghiêm trọng. Không thể kéo dài tình trạng hành khách phải gánh chịu thiệt hại (khi lỗi không phải ở họ), hoặc tự mình đương đầu với hãng hàng khi quyền lợi bị xâm hại, mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.   


Yến Nhi
Vietjet Air hủy chuyến do thời tiết xấu
Vietjet Air hủy chuyến do thời tiết xấu

Vietjet Air cho biết, do thời tiết xấu, chuyến bay VJ280 khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đến Hải Phòng ngày 14/2 đã phải chuyển hướng và hạ cánh tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN