Vẫn biết, tình trạng xâm hại di tích không còn là chuyện hy hữu, nhưng cả hai vụ việc vừa nêu lại xảy ra cùng một thời điểm, ở các di tích cấp quốc gia, thì quả là không thể chấp nhận.
Rất nhiều người đặt câu hỏi: Công trình xây dựng không phép tại chùa Hương tồn tại đã 4 năm mà không bị phát hiện, xử lý. Đến khi dư luận phản ánh thì ngành chủ quản (Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội) cũng tỏ ra khá bất ngờ. Còn với Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn, đơn vị được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý di tích này, thì lý giải rằng, công trình có thiết kế hẳn hoi (nhóm kiến trúc sư của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) và được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Khi đặt vấn đề, công trình có được cấp phép xây dựng không? Ban quản lý di tích vòng vo giải thích, vị trí xây dựng không thuộc di tích gốc, không nằm trong vùng lõi bảo vệ..., nên không phải xin phép.
Theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, công trình này được xây dựng phía bên phải chùa Thiên Trù thuộc khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, ngay tại khu vực bảo vệ cấp 1 của di tích, được xây dựng với quy mô lớn, cao 3 tầng, to hơn chùa Thiên Trù, không hài hòa với không gian tôn nghiêm của di tích. Không chỉ sai về quy trình, Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn còn không báo cáo ngành chủ quản; UBND huyện Mỹ Đức cho phép xây dựng là vượt quá thẩm quyền... Luật Di sản văn hóa ghi rõ khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, những công trình xây dựng với mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, không chỉ với di tích Hương Sơn, những quy định của Luật Di sản văn hóa phần lớn chưa được các địa phương có di tích coi trọng (nếu chưa muốn nói là phó mặc cho cơ quan quản lý văn hóa).
Những vụ vi phạm tại các di tích lịch sử văn hóa thời gian gần đây đã cho thấy, đây là “căn bệnh” khó chữa và cần phải có liều thuốc “đặc trị”. Theo các nhà khoa học, chuyên gia về di tích, ba nguy cơ lớn nhất đối với di sản văn hóa hiện nay là: tôn tạo quá đà, xây dựng cơ bản hóa công tác trùng tu, tôn tạo di tích; làm kinh tế bằng di sản. Điều đáng lo nhất hiện nay là công tác trùng tu, bảo tồn di tích đang hết sức tùy tiện. Cách làm như hiện nay đang dần làm mất đi giá trị khoa học hàn lâm của di tích. Rất nhiều di tích bị sai lệch, thay đổi và mất mát giá trị do tôn tạo, trùng tu tùy tiện.
Có thể thông cảm, Hà Nội là địa phương có số di tích được xếp hạng nhiều bậc nhất cả nước (hơn 2.000 di tích, trong đó hơn một nửa là di tích quốc gia), do vậy việc quản lý di tích là nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề. Nói như vậy không có nghĩa, cứ khó khăn thì buông, làm được tới đâu hay tới đó và dung túng cho sai phạm. Với sai phạm tại di tích thắng cảnh quốc gia chùa Hương, không thể xử lý theo kiểu nhận khuyết điểm xong rồi thôi. Nếu như thế, thì sự nghiêm minh của pháp luật sẽ bị xem nhẹ và chắc chắn sẽ còn nhiều di tích quốc gia bị xâm hại, kiểu như chùa Hương.