Bầu cử lại QH Hy Lạp - thời khắc quyết định tương lai


Thời khắc quyết định tương lai đất nước đã đến. Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại trong Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) hay buộc phải ra đi? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri Hy Lạp dành sự ủng hộ cho đảng phái chính trị nào trong cuộc bầu cử lại Quốc hội, được tổ chức vào ngày 17/6.

Câu chuyện ở Xứ sở Thần thoại giờ đây không còn là vấn đề của riêng Hy Lạp, mà nó đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, bởi việc nước này rút khỏi Eurozone không những giáng một đòn chí tử vào lục địa già, mà còn khiến nền kinh tế thế giới, vốn đang phục hồi mong manh sau khủng hoảng, gặp phải không ít khó khăn.
 
Cái tên Hy Lạp được nhắc đến nhiều trong suốt hơn ba năm qua không phải vì nước này có nền văn minh cổ đại phát triển rực rỡ hay những thành tựu kinh tế ấn tượng đã đạt trong những năm đầu gia nhập Liên minh châu Âu (EU), mà do đang nằm trong tâm bão khủng hoảng nợ công. Nếu không có gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ Euro (138 tỷ USD) từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì Hy Lạp đã vỡ nợ cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, sự đời “có đi có lại mới toại lòng nhau”, và để nhận được “phao cứu sinh”, Aten buộc phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm lương khu vực công và tư, cắt giảm lương hưu, y tế và quốc phòng... khiến người dân Hy Lạp, vốn quen với cuộc sống “bóc ngắn cắn dài”, nổi giận. Đình công, mít tinh, biểu tình phản đối chính phủ xảy ra gần như “cơm bữa” đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Và như một hệ luỵ, không còn sự lựa chọn nào khác, Chính phủ Hy Lạp lại phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi tiêu nhằm làm hài lòng các nhà tài trợ quốc tế để đổi lấy những gói cứu trợ mới trị giá hàng trăm tỷ Euro giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ phá sản. Hậu quả tất yếu đã xảy ra, hai đảng trong liên minh chính phủ cầm quyền gồm đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội Pasok, vốn ủng hộ các biện pháp kinh tế khắc khổ, đã bị mất đa số ghế trong cơ quan lập pháp trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngày 6/5 vừa qua.

Trong khi đó, đảng Syriza (Liên minh các lực lượng cực tả ở Hy Lạp) lại được lòng cử tri bằng các cam kết bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế. Nếu sự ủng hộ của người dân Hy Lạp dành cho Syriza tiếp tục tăng lên, rất có thể đảng này sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lại Quốc hội và sẽ thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử. Khi đó, Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone, kéo theo sự hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Theo giới phân tích, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, hay chiếm 0,4% kinh tế toàn cầu, thế nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở phía Nam châu Âu này lại có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Giới phân tích đánh giá việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ khiến khu vực này ngay lập tức mất 350-400 tỷ ơrô, đồng thời gây chấn động cho thị trường tài chính quốc tế. Công ty Goldman Sachs gần đây đã dự đoán rằng nếu Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng ơrô, giá trị nền kinh tế của toàn khu vực này có thể sẽ giảm 2%.

Trong khi đó, kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, đảng Syriza và đảng bảo thủ Dân chủ Mới hiện có cơ hội ngang nhau trong cuộc bầu cử lại cơ quan lập pháp sắp tới. Đảng Pasok cũng đang nuôi hy vọng các cử tri truyền thống sẽ quay lại ủng hộ đảng này, vì trên thực tế, phần lớn người dân Hy Lạp vẫn mong muốn ở lại khu vực đồng tiền chung duy nhất trên thế giới này.

Hơn nữa, cử tri Hy Lạp vẫn chưa dám “đặt cược” vào lời hứa tạo công ăn việc làm, cắt giảm thuế, nâng cao mức sống của người dân... mà Syriza đưa ra, đặc biệt là trong bối cảnh giới chuyên gia khẳng định rằng sau khi rời Eurozone, Hy Lạp phải đối mặt với cú sốc lớn như mức thu nhập của người dân sẽ giảm xuống hơn một nửa, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên tới 34%, lạm phát lên ngưỡng 30% ... trong khi ngân sách lại trống rỗng.

Tâm lý “lưỡng lự” của cử tri Hy Lạp khiến việc dự đoán đảng phái nào sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lại cơ quan lập pháp lần này là khá khó khăn. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định nhiều khả năng không có đảng nào giành đủ số phiếu cần thiết để có thể tự thành lập chính phủ. Nếu kịch bản này xảy ra, nhiều khả năng Hy Lạp lại rơi vào vòng xoáy bế tắc chính trị mới một khi các đảng phái không thể hiện thiện chí trong việc đàm phán thành lập chính phủ mới.

Theo giới phân tích, cho dù tương lai của Hy Lạp là do người dân nước này quyết định, song EU cũng như các thị trường trên thế giới dường như cũng đã sẵn sàng cho việc ứng phó với mọi kịch bản “hậu bầu cử Hy Lạp”.

TTXVN/ Tin Tức

Người Hy Lạp chống khủng hoảng bằng “đổi công”
Người Hy Lạp chống khủng hoảng bằng “đổi công”

Là một chuyên gia máy tính có thể sửa chữa các loại máy PC, Vassilis Revelas là một người “có giá”. Trong thời buổi cả nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, Vassilis đã tìm được cách vừa để mưu sinh vừa không mai một kỹ năng của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN