Các nước chuẩn bị cho khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone như thế nào?

Kịch bản Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) nếu trở thành hiện thực sẽ là một thảm họa không chỉ với kinh tế Hy Lạp mà còn kéo theo nguy cơ tan vỡ của một liên minh tiền tệ đã tồn tại trong hơn một thập niên, và lớn hơn nữa, sẽ để lại những tác động khó lường đối với kinh tế toàn cầu.

Cho tới thời điểm này, kịch bản nói trên vẫn còn để ngỏ, có thể nói là phải chờ kết quả của cuộc bầu cử lại Quốc hội vào ngày 17/6 tới.

Khi không thể khẳng định chắc chắn số phận của Hy Lạp trong Eurozone như thế nào thì điều mà nhiều nước trong cũng như ngoài khu vực đã nghĩ tới và đang bắt tay vào là chuẩn bị cho khả năng xấu nhất có thể xảy ra.

Nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone, tác động tài chính trực tiếp đến Eurozone sẽ vô cùng lớn, với những thiệt hại có thể lên tới 500 tỷ euro và kéo theo sự thất thoát khổng lồ cho các doanh nghiệp.

Tác động tài chính trực tiếp tới Eurozone sẽ vô cùng lớn. Ảnh: Internet.



Việc Hy Lạp rút khỏi liên minh tiền tệ cũng sẽ có tác động tàn phá, gây hiệu ứng "đôminô" ở Tây Ban Nha và Italia, giống như vụ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Khi đó, chi phí hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương có thể lên tới 1.000 tỷ euro. Gánh nặng này sẽ đổ lên vai những người đóng thuế tại 16 quốc gia Eurozone còn lại. Bên cạnh đó, một khi tiền lệ một quốc gia rời bỏ Eurozone được thiết lập, sự ổn định và niềm tin vào phần còn lại của khối sẽ bị hạ thấp và đưa cả khối này trở lại suy thoái, thậm chí đi đến chỗ sụp đổ. Hơn thế, sự sụp đổ của Eurozone có thể dẫn tới một quá trình suy thoái thảm khốc đối với kinh tế toàn cầu.

Mặc dù phương án ưu tiên vẫn là giữ Aten ở lại Eurozone, song ít nhất một nửa số Chính phủ các nước thành viên Eurozone cùng các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp cho kịch bản Hy Lạp rời khỏi liên minh tiền tệ này. Các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo với các nước thành viên chuẩn bị cho kế hoạch đối phó trong trường hợp Hy Lạp rời Eurozone.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU vẫn yêu cầu Hy Lạp tiếp tục thực thi các biện pháp khắc khổ và hoàn thành chương trình cải cách theo yêu cầu của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hiện chưa có kế hoạch khẩn cấp nào ở cấp EU hay ở cấp các nhà lãnh đạo những nước khác, mặc dù việc các chính phủ chuẩn bị cho các kịch bản có thể xảy ra là điều đương nhiên.

Dù chưa thể khẳng định liệu Eurozone có bị đổ vỡ hay không, song Chính phủ Thụy Sỹ, quốc gia không sử dụng đồng euro, cũng đang chuẩn bị kế hoạch hành động trong trường hợp liên minh tiền tệ này tan rã. Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB), Thomas Jordan, cho rằng cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone đã trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây. Ông cũng dự đoán giai đoạn khó khăn vẫn sẽ còn kéo dài. Bởi vậy, nhóm các nhà chức trách Thụy Sỹ đã thảo luận và tập trung chủ yếu vào việc tìm ra các biện pháp để giữ cho đồng franc của nước này ổn định, đồng thời chuẩn bị cho kịch bản Eurozone sụp đổ, mặc dù không chắc điều này sẽ xảy ra.

Tại một nước khác nằm ngoài Eurozone là Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã cảnh báo những đồn đoán về khả năng Hy Lạp phải rời bỏ Eurozone đang thực sự gây tổn hại tới toàn bộ nền kinh tế châu Âu, trong đó có Anh. Thủ tướng Anh David Cameron sau đó cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những đồn đoán ngày càng nhiều rằng Hy Lạp chuẩn bị rời khỏi Eurozone, đồng thời đưa ra kế hoạch ba điểm để ngăn chặn những khó khăn tài chính của khu vực.

Thứ nhất, ông cho rằng Eurozone nên huy động tiền thông qua "trái phiếu euro" như một cách ngăn chặn sự sụp đổ của đồng tiền chung. Thứ hai, chính sách tiền tệ của Eurozone "phải hiệu quả hơn nữa". Thứ ba, châu Âu và Anh cần tích cực thúc đẩy tính cạnh tranh trong bối cảnh phải đối mặt với sức cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, mặc dù khả năng Hy Lạp từ bỏ đồng euro được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng đó trong hai năm qua. Các ngân hàng Mỹ đã xem xét các khoản vay, giảm lượng cho vay ở các nước có vấn đề xuống mức thấp nhất có thể, dự phòng rủi ro, hoán đổi nợ cũng như rà soát lại danh mục đầu tư. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các khoản cho vay trực tiếp của các ngân hàng Mỹ cho Hy Lạp hiện chỉ là 4 tỷ USD. Tác động của việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone có thể tràn tới Mỹ thông qua các thị trường tiền tệ, sự suy giảm trong nhu cầu nhập khẩu của Hy Lạp và các khoản cho vay bị mắc kẹt. Hầu hết những tác động này là có thể được kiểm soát nhờ sự chuẩn bị trong hai năm qua.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn lo ngại một yếu tố bất ngờ có thể xảy ra và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Có hai vấn đề cực kỳ lớn và có liên quan tới nhau là sự lây lan gián tiếp và sự hoảng loạn của thị trường. Với khoản tiền nhiều tỷ USD mà các ngân hàng châu Âu cho Hy Lạp vay và những vấn đề của Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha và Ailen, sự hoảng loạn có thể khiến các ngân hàng đóng băng các khoản vay. Những hệ lụy của nó có thể nhanh chóng lan rộng trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Tại Mỹ, các nhà chức trách nước này cũng đang hành động để ngăn ngừa những rủi ro. Bộ Tài chính Mỹ đang tập trung vào tác động của khủng hoảng nợ ở châu Âu đối với các thiết chế tài chính của nước này. Nếu một ngân hàng Mỹ có vấn đề, Chính phủ sẽ can thiệp bằng cách rót tiền và sau đó bán cổ phần của ngân hàng này.

Tại Trung Quốc, khi lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng Hy Lạp rời Eurozone gia tăng, Chính phủ nước này đã kêu gọi các cơ quan nhà nước có liên quan như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) và cơ quan giám sát ngành ngân hàng thảo luận về các kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với những rủi ro kinh tế nếu khả năng đó xảy ra.

Các kế hoạch này có thể bao gồm các biện pháp duy trì sự ổn định của đồng NDT, tăng cường kiểm soát các dòng vốn qua biên giới và đẩy mạnh các chính sách ổn định kinh tế trong nước. Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo hàng ngày về hoạt động trên các thị truờng tài chính. Tuy nhiên, nước này vẫn thông báo tiếp tục đầu tư vào Eurozone, trong khi kêu gọi châu Âu thúc đẩy cải cách.


Lê Minh (Tổng hợp)
Nguy cơ Hy Lạp “khăn gói” rời Eurozone liệu có thành hiện thực?
Nguy cơ Hy Lạp “khăn gói” rời Eurozone liệu có thành hiện thực?

Thế giới bắt đầu nói đến nguy cơ Hy Lạp trở thành nước thành viên đầu tiên rời khỏi Khu vực đồng châu Âu (Eurozone) từ đầu tháng 5/2012.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN