Bảo vệ đất lúa trước thách thức biến đổi khí hậu

Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam liên tục phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, có trên 2 triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 12% dân số vùng) chịu ảnh hưởng của hạn mặn, biến đổi khí hậu. 

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Ngọc Thiện - Lê Nghĩa/Báo Tin Tức

Đây là con số chỉ tính trên nông dân sản xuất lúa bị thiệt hại và thiếu nước ngọt. Nếu tính cả diện tích nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và chăn nuôi, thì gần 1/3 dân số của vùng gánh chịu những hậu quả ở mức độ khác nhau. Nói như thế để thấy, việc tìm ra phương thức để hạn chế hậu quả của hạn mặn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đang là một đòi hỏi và trở thành thách thức lớn.

Thực tế trong nhiều năm gần đây, hạn mặn, biến đổi khí hậu đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của đất nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không những thế, có khoảng 1,5 triệu nông dân trồng lúa và trên 500.000 người dân cuộc sống bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt sinh hoạt. 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề hạn mặn khi diện tích sản xuất lúa đứng trước nguy cơ giảm sút nghiêm trọng. Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về quy hoạch đất trồng lúa, bằng mọi giá giữ ổn định trên 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa gắn với quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 15,8 triệu ha. Nhiều dự án, công trình thủy lợi quan trọng của đất nước đã được đầu tư xây dựng nhằm giảm thiểu thiệt hại từ hạn mặn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như của đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là việc tuân thủ các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, giám sát, sử dụng đất trồng lúa có hiệu quả... Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp bị lợi dụng, khiến diện tích sản xuất lúa tại một số địa phương ngày một giảm sút. 

Trong nhiều năm trở lại đây, một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả ứng phó với hạn mặn, như điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, bố trí dịch chuyển khung thời vụ cho phù hợp để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới…

Dù đã có nhiều giải pháp để thích ứng, “sống chung” với hạn mặn, nhưng chưa có gì để bảo đảm rằng, hạn mặn sẽ không lặp lại và hậu quả của nó sẽ được giảm thiểu. Do vậy, ứng phó với hạn, mặn không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải tính toán dài hạn.

Trước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ diện tích đất trồng lúa đang là yêu cầu đặt ra, đòi hỏi sự quyết tâm cao từ Trung ương tới các địa phương.

Với người dân vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, thì nước mặn xâm nhập là cơ hội để phát triển nuôi thủy sản, thực hiện mô hình tôm - lúa để có thêm thu nhập. Vấn đề cần có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch về đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu, mô hình sản xuất phù hợp, đồng thời chú trọng giải quyết sinh kế bảo đảm đời sống cho người dân trong điều kiện hạn mặn.

Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều công trình phòng chống hạn mặn tại một số địa phương trong vùng còn manh mún, lãng phí, hiệu quả hạn chế; địa phương nào biết địa phương đó, mỗi nơi yêu cầu một khác, thiếu các công trình mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đơn cử, một số vùng thì cần cần nước mặn nuôi tôm, số khác lại cần nước ngọt trồng lúa, nên việc đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thủy lợi ít hiệu quả ... Trong bối cảnh như vậy, đã đặt ra yêu cầu cần phải rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các công trình phòng chống hạn mặn; từ đó mạnh dạn loại bỏ công trình không phát huy tác dụng; tập trung đầu tư cho công trình có khả năng thích ứng cao và đáp ứng tối đa nhu cầu khai thác sử dụng của nhiều địa phương.

Với phương châm “sống chung” với hạn mặn và hạn chế thấp nhất thiệt hại từ biến đổi khí hậu, cùng với những giải pháp thích ứng với từng vùng, khi Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực, các địa phương (nhất là vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của hạn mặn) cần thực hiện nghiêm các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; xác định cụ thể trách nhiệm của từng địa phương, cấp, ngành liên quan trong việc chuyển đổi, sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả, sai mục đích.

Yến Nhi (TTXVN)
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, thu nhập gấp từ 5-10 lần
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, thu nhập gấp từ 5-10 lần

Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi gần 5.600 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác và con nuôi thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN