Vụ bé gái ở Bình Thạnh (TP. HCM) vừa tử vong do bị người tình của bố hành hạ, đánh đập thời gian dài đã khiến vấn đề cũ này dậy sóng trong dư luận. Tôi đã không dám đọc chi tiết thông tin trên báo vì sợ mình, cũng là một người mẹ, không thể kìm nước mắt trước số phận của bé gái mới 8 tuổi đã phải lìa đời.
Cuối tháng 9/2021, một ông bố ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã dùng đũa đánh con gái 6 tuổi, khiến bé không qua khỏi.
Tháng 11/2020, cũng tại Hà Nội, một ông bố dượng bị tử hình và mẹ đẻ bị tù chung thân vì bạo hành con gái mới 3 tuổi tới chết.
Không chỉ ở Việt Nam, dư luận thế giới cũng rúng động trước những thông tin bạo hành trẻ em một cách “máu lạnh”. Ở Trung Quốc, ngày 28/12/2021, chỉ vì người tình không thích dính dáng tới con riêng của chồng, ông bố ruột đã nhẫn tâm ném hai con (1 và 2 tuổi) từ tầng 14 chung cư. Ở Anh, đầu tháng 12/2021, mẹ kế và bố đẻ đã chịu án tù thích đáng sau khi bỏ đói, tra tấn, đầu độc con trai 6 tuổi tới chết bằng muối suốt nhiều tháng.
Và còn nhiều vụ việc thương tâm như thế nữa, không thể đếm, không thể kết hết. Nếu không phải chịu cái kết thảm khốc là xa rời cõi đời khi còn quá non nớt, thì những trẻ em bị bạo hành sẽ sống suốt đời vớt vết thương thể xác và nỗi đau tinh thần không thể xóa.
Điều đáng nói là nơi trẻ em bị bạo hành lại thường là nơi mà người ta gọi là nhà, là mái ấm. Điều đáng nói là người bạo hành trẻ em thường là người mà các em gọi là bố, là mẹ. Đa số các vụ kể trên đều liên quan tới bố dượng, “dì ghẻ”, nhưng không phải vì không chung huyết thống mà những kẻ đó có quyền làm hại tới các em. Càng đáng lên án hơn khi chính bố đẻ, mẹ đẻ lại tiếp tay, làm ngơ cho hành vi bạo hành con mình. Có lẽ câu “hổ dữ không ăn thịt con” không còn đúng nữa.
Trong hai năm xảy ra đại dịch COVID-19, vấn đề bạo hành trẻ em càng trở nên trầm trọng hơn, cả ở Việt Nam và trên thế giới, khi phần lớn trẻ em phải học ở nhà, tiếp xúc thường xuyên với bố mẹ, người thân.
Nghiên cứu ở Pháp cho thấy phong tỏa trong đại dịch COVID-19 đã khiến tần suất trẻ em phải nhập viện vì bị bạo hành tăng tới 50%. Năm 2020 tại Việt Nam, số liệu của Bộ Công an cho thấy có 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, trong đó 97% vụ do bố mẹ, người thân gây ra. Năm 2021, khi mà phần lớn tỉnh, thành giãn cách xã hội, số cuộc gọi tới Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tăng từ trung bình 30.000 lên 40.000-50.000/tháng.
Những con số báo động trên phản ánh thực tế rằng nhà không hẳn là nơi an toàn nhất với trẻ em, ít nhất là đối với một bộ phận trẻ em. Nhỏ bé, yếu ớt, không sức kháng cự, không quyền lực. Trong bối cảnh nói chung và đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, trẻ em dễ trở thành đối tượng trút giận của bố mẹ khi họ gặp áp lực, khó khăn trong cuộc sống, ví dụ như thất nghiệp. Nhiều em còn bị bạo hành không lý do.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai và làm thế nào để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành trong chính ngôi nhà của mình?
Việt Nam có Hiến Pháp; có Luật Bảo vệ trẻ em; có Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình; có các hiệp hội bảo vệ, bảo trợ trẻ em; có Tổng đài Bảo vệ trẻ em… Khung pháp lý nhiều nhưng chưa hiệu quả trong răn đe, phòng ngừa các vụ bạo hành trẻ em.
Để hỗ trợ hệ thống bảo vệ trẻ em đó, cần sự vào cuộc của cả xã hội, cộng đồng. Mà muốn mọi người trong xã hội đều biết cách bảo vệ trẻ em, cho dù là con cháu mình hay con cháu người khác, cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong vấn đề này.
Tôi tin không phải ai cũng nắm rõ các số điện thoại đường dây nóng hay Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để gọi khi có tình huống khẩn cấp. Tôi cũng tin không phải tất cả đều sẵn lòng gọi điện báo cáo hành vi bạo hành trẻ em của nhà hàng xóm vì có thể có người nghĩ đó là việc riêng “nhà người ta”.
Biết đâu chính thái độ tặc lưỡi bỏ qua, hoặc hành động nửa vời, hoặc chỉ biết giận dữ suông của những người xung quanh đã gián tiếp cướp đi một sinh mạng bé nhỏ.
Ngoài nâng cao ý thức cho cộng đồng, bản thân trẻ nhỏ cũng phải được giáo dục kỹ lưỡng để nhận thức và tự bảo vệ mình. Ví dụ như phải làm gì khi bị bạo hành, phải tìm tới ai, phải gọi số nào…
Cũng có chuyên gia về bảo trợ trẻ em cho rằng cần giải quyết gốc rễ vấn đề từ chính những người lớn sắp làm bố, làm mẹ. Tức là tổ chức khóa học cho thanh niên về cách làm bố, làm mẹ trước khi kết hôn, sinh con. Không phải ai cũng biết chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái một cách đúng pháp luật. Một số quan niệm kiểu như “thương cho roi cho vọt” hay coi con cái là tài sản riêng tùy ý “sử dụng” cũng cần được xóa bỏ.
Năm 2022 là năm đại dịch COVID-19 thứ ba. Rất có thể trẻ em sẽ còn phải ở nhà nhiều hơn ở trường, rất có thể sẽ có thêm những ông bố, bà mẹ vì áp lực cơm áo gạo tiền mà trút giận lên con. Nhưng bằng mọi cách, chúng ta cần tránh để xảy ra thêm những trường hợp đau lòng như vụ việc ở TP. HCM. Bạo hành trẻ em cũng là một thứ dịch bệnh cần được cả xã hội phòng và chống, quyết liệt như chống COVID-19. Và tất nhiên, không chỉ phòng chống bằng lời nói.