Khi các tổ chức đảng trong cả nước đang chuẩn bị tiến hành đại hội các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Kinh nghiệm cho thấy, quá trình chuẩn bị đại hội Đảng các cấp cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự. Bởi vậy, báo chí và các cơ quan chức năng phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, internet.
Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta vẫn là tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên thủ đoạn mỗi ngày một độc hại và tinh vi hơn, chúng lợi dụng sự lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội để tung những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo sự thật; lợi dụng những vụ án của các quan chức suy thoái để xuyên tạc gây hoang mang và làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Xu hướng tác động từ những thông tin xấu, độc qua mạng truyền thông sẽ tăng lên khi một bộ phận không nhỏ người sử dụng mạng xã hội thích "like", "share" những thông tin giật gân, tiêu cực hơn là những thông tin tích cực. Một người nếu nhận thức không đầy đủ, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin chính thống, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng thì việc cố ý hay vô tình tiếp tay, cổ suý cho cái xấu, cái sai càng trở nên dễ dàng và nguy hiểm, bất chấp hậu quả của nó đối với xã hội và đối với sự phát triển của đất nước.
Để tỉnh táo, sáng suốt làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực phản động, thù địch thì chúng ta phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
Trong cuộc đấu tranh này, báo chí và các cơ quan tuyên truyền là lực lượng nòng cốt. Với mức độ “phủ sóng” rộng, hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thông tin trên báo chí cần phản ánh đúng tình hình thực tế phát triển của đất nước, đồng thời phản bác kịp thời những thông tin xấu, độc, nhất là trên mạng internet. Trên thực tế, các thế lực thù địch thường rêu rao cho rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số phần tử bất mãn chế độ, được các thế lực phản động cung cấp tiền, lợi ích vật chất để lên mạng xưng danh “nhà báo độc lập” viết bài xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, kích động chống phá chính quyền. Theo quy định của pháp luật, Việt Nam không có báo chí tư nhân. Các cơ quan báo chí đều là cơ quan ngôn luận của các tổ chức do dân bầu hoặc đại diện cho tiếng nói của một tầng lớp, một giai cấp. Thông tin trên báo chí luôn gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, tập thể và là diễn đàn phản ánh ý kiến của nhân dân. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của báo chí và các cơ quan tuyên truyền là đấu tranh phản bác trực diện với những luận điệu sai trái, thù địch; đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, lấy “cái tốt” đẩy lùi “cái xấu”.
Bản thân mỗi nhà báo cũng là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin tuyên truyền, bởi vậy không chỉ đấu tranh bằng những bài viết trên báo chí chính thức, mà với uy tín nghề nghiệp của mình, các phát ngôn, bình luận hàng ngày hay chia sẻ trên mạng xã hội của mỗi nhà báo cũng có thể là “mũi tiến công” vào những luận điệu sai trái, thù địch, nhất là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 đã xác định, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Nhiệm vụ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch không của riêng một đơn vị hay cá nhân nào, mà là nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái cũng là một biện pháp hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Với mỗi cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" "tự chuyển hoá" trong nội bộ; nâng cao nhận thức bằng cách tích cực đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể phân tích, đánh giá hoạt động thực tiễn, đấu tranh chống lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; tu dưỡng rèn luyện phong cách tư duy, nhận thức, diễn đạt, phong cách làm việc, sinh hoạt theo phong cách Hồ Chí Minh để hình thành kỹ năng phân tích, đánh giá, phản biện, đấu tranh để có đủ trình độ phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch và những thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội.
Mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội phải chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh sống, công tác. Qua đó kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình... không để đồng chí, đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, dụ đỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, lan truyền những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội. Đặc biệt là với công tác nhân sự trước đại hội Đảng các cấp, những dư luận về “đồng chí này, đồng chí kia có vấn đề” hay “phe nọ” đấu đá với “phe kia” thường bị lan truyền chóng mặt mà không có sự kiểm chứng. Trong những trường hợp như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần nêu gương, giữ vững lập trường quan điểm, phản bác lại những thông tin vô căn cứ.
Đối với mỗi công dân cần nâng cao hiểu biết pháp luật, có ý thức và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, trang bị cho mình kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu, độc, phản động; cảnh giác là yếu tố quyết định để tạo ra "sức đề kháng" để có thể thận trọng và sàng lọc khi tiếp nhận thông tin đồng thời có khả năng "miễn nhiễm" đối với những thông tin xấu, độc, phản động. Mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng; không nên nghe đọc xem những trang mạng của những phần tử chống đối phản động. Việc chia sẻ thông tin sai sự thật cũng vô tình gây tâm lý hoang mang trong dư luận, điển hình như trong vụ án tại trường tiểu học Gateway đang được điều tra, thông tin bịa đặt người lái xe tử vong được chia sẻ chóng mặt nhưng khi có phản hồi từ cơ quan chức năng thì lại rất ít người chia sẻ. Các đối tượng phản động cũng lợi dụng tâm lý đó cắt ghép hình ảnh nạn nhân, tung bằng chứng giả để bôi nhọ cơ quan Công an… Bởi vậy cần tích cực chia sẻ những thông tin chính thống, cùng tuyên truyền vận động người thân và cộng đồng tuân thủ pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bài học lịch sử đã cho thấy, khi có sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì dù kẻ thù bày trăm ngàn mưu kế cũng sẽ thất bại.
Bài cuối: Củng cố niềm tin, tăng cường sức mạnh