Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của chiến dịch "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do kênh VTV7 - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện trong hai năm vừa qua.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về những nhóm tiêu chí để xây dựng một trường học hạnh phúc. Đó là xây dựng môi trường làm việc an toàn, không có bạo lực, tôn trọng sự phát triển của các cá nhân. Trong môi trường đó, các cá nhân được thể hiện mình mà không ngại bị phân biệt, như vậy họ sẽ phát triển tối đa năng lực riêng của mình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cơ sở vật chất của mỗi ngôi trường không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc phải có một môi trường dân chủ, không có một vị hiệu trưởng độc đoán gây ra những ấm ức, nơi giáo viên và học sinh được thể hiện năng lực, sáng tạo.
“Việc dạy và học rất quan trọng, nhất là trong giáo dục phổ thông. Giáo viên phải được sáng tạo, đóng góp ý kiến vào việc đổi mới phương pháp. Học sinh đến trường không chỉ học kiến thức mà cần được tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện các kỹ năng sống. Sự khích lệ, động viên của giáo viên rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Đặc biệt, không nên để học sinh phải chịu áp lực bởi bài tập và sự đối xử phân biệt. Việc kỷ luật là cần thiết nhưng phải thực hiện trên tinh thần rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Cũng tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chia sẻ về hành trình xây dựng ngôi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành một trường học hạnh phúc theo đánh giá của các học sinh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, trường học hạnh phúc được xây dựng không phải bằng kỷ luật mà bằng sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau. Trường học hạnh phúc không so sánh thành tích giữa các lớp học mà lấy sự tiến bộ của học sinh và sự thay đổi của từng lớp học làm thước đo cho sự phát triển của nhà trường. Khi những người làm giáo dục hiểu được giá trị của nghề giáo, họ sẽ có tấm lòng để xây dựng trường học hạnh phúc mà ở đó không có bạo lực học đường, chỉ có sự thương yêu và chăm lo cho học sinh.
Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các hiệu trưởng. Nhiều câu chuyện, ví dụ thực tế các hiệu trưởng nêu ra đã được Giáo sư Peck Cho – chuyên gia người Hàn Quốc, người thiết kế chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” phân tích, từ đó truyền cảm hứng cho các hiệu trưởng về mục tiêu trong giáo dục là tạo dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cho chính mình và học sinh của mình.
Giáo sư Peck Cho chia sẻ 3 nội dung chính: Vai trò của hiệu trưởng trong nền giáo dục của tương lai; Những đổi mới trong quản trị trường học dành cho hiệu trưởng; Kinh nghiệm thay đổi quản trị trường học tại Hàn Quốc. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trưởng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Theo Giáo sư Peck Cho, các hiệu trưởng cần xác định rằng trong tương lai, nền giáo dục chứa đựng sự giận dữ sẽ không được chấp nhận và “những ngôi trường cần tập trung vào giáo dục cảm xúc thay vì đang quá tập trung vào giáo dục kiến thức; trí thông minh là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là nó được phát huy bởi một tập thể cùng sáng tạo”.