Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Đặng Quang Việt cho biết: “Chính phủ đã giao Bộ GDĐT thẩm định xây dựng Chương trình khung các trình độ của GDĐH. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình khung cho các ngành và khối ngành đào tạo, trong đó có ngành Kế toán. Từ khi Luật GDĐH 2012 ra đời, đã trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo thì CTĐT sẽ do Hiệu trưởng ban hành. Như vậy, trong 1 hệ thống giáo dục, cùng đào tạo ngành kế toán nhưng mỗi trường sẽ cho ra các chuẩn đầu ra khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mỗi trường. Đây là một điểm yếu mà chúng ta cần khắc phục”.
Theo đó, quan điểm, định hướng xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành Kế toán cần gắn với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDĐH theo hướng: thứ nhất, giúp các trường điều chỉnh cách xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình đào tạo theo tiếp cận phát triển, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của nghề kế toán. Thứ hai, cần gắn kết giữa xây dựng, thực hiện chương trình với việc đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo thông qua chuẩn chương trình, tạo thuận lợi cho đánh giá chương trình và cải tiến chất lượng các chương trình ngành Kế toán. Thứ ba, thúc đẩy thực hiện tham chiếu giữa Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ của các quốc gia ASEAN, làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo kế toán cho Việt Nam có khả năng tìm việc làm trong thị trường lao động các nước ASEAN.
Tọa đàm cũng nhận được chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuẩn CTĐT ngành kế toán của Malaysia và Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales. Các kinh nghiệm, ý kiến đóng góp tại Tọa đàm sẽ được tiếp thu để làm cơ sở để xây dựng hệ thống các tài liệu, văn bản hướng dẫn về xây dựng chuẩn chương trình cho ngành kế toán. Từ đó triển khai áp dụng chuẩn chương trình trong xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình đào tạo ngành Kế toán tại các cơ sở GDĐH. Đồng thời, là nền tảng để triển khai xây dựng chuẩn chương trình cho các ngành, nhóm ngành ở các lĩnh vực khác.
Cùng tham gia hỗ trợ và phối hợp với Bộ GDĐT, Trưởng đại diện ICAEW Việt Nam, bà Đặng Thị Mai Trang chia sẻ: “Dù đào tạo theo hướng học thuật hay theo hướng thực hành nghề nghiệp thì mục tiêu cuối cùng của các trường ĐH và các tổ chức nghề nghiệp đều nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội, của ngành kinh tế. Những sinh viên/học viên có đủ năng lực bắt đầu ngay với công việc. Với sự ra đời của các tổ chức nghề nghiệp, các chuẩn đào tạo đầu ra, yêu cầu nghề nghiệp cụ thể cũng hình thành được rõ ràng hơn”.
Năm 2019, ICAEW và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) tại London về phát triển đào tạo trong lĩnh vực tài chính - kế toán của Việt Nam, với mục đích triển khai và đẩy mạnh việc áp dụng Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời hợp tác thúc đẩy xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo đại học ngành Tài chính – Kế toán đáp ứng các yêu cầu của ngành nghề.